Vĩnh Phúc tận dụng cơ hội hút dự án công nghệ cao

Vĩnh Phúc tận dụng cơ hội hút dự án công nghệ cao
6 giờ trướcBài gốc
Điểm sáng thu hút đầu tư
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, năm 2024 được đánh giá là một năm thành công của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư. Trong đó, về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút đạt 600 triệu USD, vượt 50% so với kế hoạch năm.
Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian tới là ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch. Ảnh minh họa
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra (5.500 tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023.
“Trong năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận có 29 dự án FDI mới đi vào hoạt động, trong đó có nhiều dự án lớn như nhà máy sản xuất xe máy của công ty TNHH Polaris Việt Nam - một trong những doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đi vào hoạt động, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe máy của cả nước” – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông nêu.
Cũng theo Chủ tịch Trần Duy Đông, từ quý III/2024 đến nay, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, khu vực và trong nước tới tìm hiểu môi trường đầu tư và đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc như: Tập đoàn Samsung; Tập đoàn SK Hàn Quốc; Tập đoàn Sumitomo; Tập đoàn FPT đầu tư trung tâm BigData tại Vĩnh Phúc; Signentic đầu tư dự án chất bán dẫn; Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc; Công ty Cổ phần T&Y SuperPort; Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ...
Để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho địa phương, thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc về môi trường đầu tư. Cùng với đó, cụ thể hóa các chính sách vĩ mô, tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, miễn giảm thuế trước bạ, giảm lãi suất vay, phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao...
Vĩnh Phúc cũng đã tổ chức hơn 100 cuộc họp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Cùng với đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô; rà soát xây dựng và ban hành Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng các khu công nghiệp, đầu tư công. Triển khai sớm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung thu hút đầu tư chuỗi bán dẫn, chip, vật liệu mới và triển khai đề án phát triển nhân lực lĩnh vực công nghiệp bán dẫn...
Môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá cao. Ảnh minh họa
Tập trung hút dự án công nghệ cao
Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 đến 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia, vùng lãnh thổ một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80%. Trong đó, riêng trong năm 2025, Vĩnh Phúc dự kiến thu hút thêm 22 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.
Được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nhờ vị trí địa lý tiếp giáp thủ đô Hà Nội, nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và là cầu nối với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ giao thông, điện, nước đảm bảo; quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thu hút đầu tư; điều kiện tự nhiên địa chất ổn định, ít chịu ảnh hưởng từ bão lũ, thiên tai là những điều kiện rất phù hợp để tỉnh thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn,…
Để tận dụng những lợi thế này, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng lộ trình để tận dụng tốt nhất cơ hội thu hút các dự án công nghệ cao, dự án công nghiệp bán dẫn, trong đó xác định các điều kiện thuận lợi của địa phương đang có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, có hơn 70 doanh nghiệp điện tử là vender cho các Tập đoàn SamSung và Dell, Apple.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc có 4 doanh nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn SK Hàn Quốc đã đầu tư 300 triệu USD vào Công ty TNHH sản xuất ISC Vina với định hướng sản xuất chất bán dẫn; Công ty cổ phần Signetics đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 100 triệu USD với cam kết tháng 10/2025 sản xuất thử nghiệm bán dẫn cung cấp cho Tập đoàn Samsung; Tập đoàn FPT đầu tư trung tâm dữ liệu, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn…
Với mục tiêu và lợi thế đã được xác định, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh thời gian tới là ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; công nghiệp máy tính, điện tử, điện dân dụng, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô xe máy.
Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ, phát triển Chính phủ điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các thủ tục đầu tư. Đồng thời, triển khai các đề án hỗ trợ kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc thời gian tới là ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; công nghiệp máy tính, điện tử, điện dân dụng, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, xe máy…
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/vinh-phuc-tan-dung-co-hoi-hut-du-an-cong-nghe-cao-370829.html