Vĩnh Phúc tăng cường ứng phó trước xu hướng gia tăng cục bộ các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.
Nhiều loại dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng
Theo ông Hồ Quang Phúc, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, căn cứ đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 66/TTr-SYT ngày 20/5 và chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày 27/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu đã có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh thường bùng phát trong mùa mưa lũ.
Theo nhận định từ các cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Tại Việt Nam, dù cơ bản được kiểm soát, nhưng sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19 đang có xu hướng tăng cục bộ ở một số địa phương.
Đối với dịch bệnh Covid-19, theo theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện 20 khu vực thuộc các tỉnh miền Bắc đã ghi nhận 61 trường hợp nghi mắc Covid-19. Trong đó, Hải Phòng 16 ca mắc, Quảng Ninh 11 ca mắc... tăng gấp hơn 4 lần so với tuần trước.
Cả nước ghi nhận 336 ca mắc/nghi mắc Covid-19 trong năm 2025 tại 23/28 tỉnh, thành phố, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc tính đến ngày 25/5 cũng ghi nhận 39 ca mắc Covid-19, không có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, từ đầu tháng 5 đến nay - dù chưa phải cao điểm mùa mưa, nhưng thời tiết xuất hiện mưa dông lớn gây hiện tượng ngập lụt, đã tạo điều kiện cho môi trường ô nhiễm, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch
Để chủ động ứng phó trước các diễn biến của bệnh truyền nhiễm và ngăn ngừa dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt, nhất là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Y tế phối hợp chặt chẽ hệ thống y tế dự phòng và điều trị trong giám sát, cập nhật số liệu và phát hiện sớm các ổ dịch.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch đến các nhóm nguy cơ, vùng khó khăn. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh, đặc biệt các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Chủ động dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các khu vực có nguy cơ cao, nhất là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm chủ động dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế sẵn sàng ứng phó trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh có thể xảy ra. Ảnh: Sỹ Hào.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị, UBND các huyện, thành phố phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức chiến dịch cao điểm trong tháng 6 và 7/2025 phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và các bệnh thường gặp sau mưa lũ như đau mắt đỏ, tiêu chảy, lỵ, thương hàn...
Bên cạnh đó, các địa phương cũng được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về vệ sinh môi trường, sử dụng khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
UBND tỉnh nhấn mạnh phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ - nhằm ứng phó kịp thời với mọi tình huống phát sinh.
Sỹ Hào