4 tháng đầu năm 2025, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút 17 dự án mới, trong đó có 10 dự án đầu tư FDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,9 triệu USD và 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng 116,32 triệu USD; 7 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.144 tỷ đồng và 3 dự án tăng vốn với số vốn tăng hơn 143 tỷ đồng. Ban Quản lý các KCN đã thực hiện giải quyết xong trước và đúng hạn cho 283 hồ sơ thủ tục hành chính, tăng 10% so với quý I/2024, trong đó có 210 hồ sơ trước hạn và 73 hồ sơ đúng hạn, không có hồ sơ chậm hạn.
Các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc là các đối tác truyền thống của Vĩnh Phúc
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là những quốc gia đầu tư truyền thống, đối tác quan trọng và gắn bó lâu dài trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất với hơn 70,7 triệu USD, chiếm 43,34% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong quý II/2025, Vĩnh Phúc dự kiến thu hút 3-5 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 200 - 220 triệu USD và 2-3 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 1.000-1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, sẽ có thêm 7 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 3 dự án đầu tư FDI và 4 dự án đầu tư trong nước. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 250-300 triệu USD; vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước đạt 500-700 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút khoảng 30 dự án đầu tư FDI mới với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, làm thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư cho 30 lượt dự án đầu tư FDI với tổng vốn tăng thêm khoảng 300 triệu USD. Dự kiến vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 483,53 triệu USD; có từ 15 - 20 dự án đi vào hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp FDI
Để đạt mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI từ 800 triệu USD trở lên trong năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, thủ tục hành chính nhanh, thuận lợi, tạo lực hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là các dự án lớn, công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính và “giấy phép con”; rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhiều sự kiện đối thoại với nhà đầu tư
Đề nghị Chính phủ ban hành một số chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng như hoãn, giãn, hoặc miễn giảm thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh chóng cho các đơn hàng bị ảnh hưởng hoặc xem xét hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp thuế đối ứng như các gói vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho vay xuất khẩu đối với các doanh nghiệp có xuất khẩu sang thị trường mới, các khoản vay được bảo lãnh bởi Nhà nước, hỗ trợ về giá, phí...
Kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư để bảo đảm hệ thống này vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng, khai thác thông tin trên hệ thống, giảm tải công tác báo cáo cho các địa phương và doanh nghiệp; hướng dẫn các địa phương xây dựng suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng tại địa phương để làm căn cứ xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư FDI.
Tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn thế giới
Mới đây, Sở Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Xúc tiến đầu tư của tỉnh cho chủ trương triển khai các chiến dịch cải cách thủ tục hành chính “Sóng Đầu tư Vĩnh Phúc” nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư.
Trong đó, ưu tiên thu hút ít nhất 1- 2 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn thế giới hoặc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) hoặc các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia có các thương hiệu quốc tế lớn đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở, phát triển công nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế “luồng xanh” cắt giảm thủ tục hành chính...
Nguyên Vỵ