Người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Robert Way.Via/Shutterstock
Ngày 6/1/2025, Bộ Y tế Malaysia cho biết các trường hợp nhiễm virus HMPV đang gia tăng ở nước này, với 327 trường hợp được báo cáo trong năm 2024, tăng 45% so với 225 trường hợp vào năm 2023.
Cũng trong hôm nay, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này đã phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus HMPV là 1 trẻ sơ sinh nữ 3 tháng tuổi và 1 trẻ sơ sinh nam 8 tháng tuổi. Cả hai đều có tiền sử viêm phế quản phổi. Bé gái đã được xuất viện, trong khi bé trai được cho là đang hồi phục dưới sự giám sát y tế.
Giữa những lo ngại về đợt bùng phát lây nhiễm HMPV ở Trung Quốc, Tiến sĩ Atul Goel, Tổng Giám đốc Dịch vụ Y tế Ấn Độ, đã giải thích, HMPV được phát hiện vào năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae cùng với virus hợp bào hô hấp (RSV). Đây là loại virus có thể gây bệnh đường hô hấp trên và dưới ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Tiến sĩ Goel nhấn mạnh, các bệnh viện ở Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với sự gia tăng theo mùa của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, với đầy đủ vật tư và giường bệnh. Ông kêu gọi mọi người tuân theo các biện pháp vệ sinh cơ bản và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung để giữ an toàn trong mùa đông.
"Nhiễm trùng HMPV không giống với Covid-19 và không thể trở thành đại dịch" - đây là khẳng định của Tiến sĩ Sudhir Kumar, cố vấn cao cấp tại Bệnh viện Apollo, Hyderabad (Ấn Độ). Cũng theo ông Sudhir Kumar, hàng năm, tại các bệnh viện ở quốc gia này vẫn ghi nhận các trường hợp nhiễm trùng do HMPV tới thăm khám nhưng chỉ dưới 5% trong số đó phải nhập viện điều trị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa công bố tình hình khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu nhưng sự gia tăng các ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trích lời các quan chức nước này cho biết, một chương trình thí điểm đã được triển khai để theo dõi diễn biến của bệnh, đảm bảo các phòng xét nghiệm và cơ quan y tế báo cáo và quản lý các trường hợp hiệu quả hơn.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế Australia, đây là loại bệnh đường hô hấp khá phổ biến tại Australia và đã tồn tại trong một thời gian dài. Riêng năm 2024, có khoảng 8%-9% các ca bệnh về đường hô hấp được ghi nhận là thuộc chủng virus này, đứng thứ 5 trong số tất cả các bệnh về đường hô hấp tại Australia tuy nhiên, dường như nó đang ngày càng tiến hóa và trở lên nguy hiểm hơn, khiến người nhiễm có thể phát triển thành viêm phế quản hay viêm phổi cấp tính.
Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc người Cao tuổi Australia Mark Butler cảnh báo nguy cơ bùng phát một đại dịch mới. Nguồn: The Australian
Hiện Chính phủ Australia đang đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ sự phát triển và nỗ lực hạn chế lây lan của căn bệnh này. Bộ Y tế Australia đánh giá, đây là căn bệnh viêm đường hô hấp có thể so sánh mức độ nguy hiểm so với đợt bùng phát Covid-19 cách đây 5 năm.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Công cộng Australia Terry Slevin cũng đã đưa ra cảnh báo, cùng với sự lây lan ngày càng mạnh của chủng viêm đường hô hấp tại Australia với nhiều đặc điểm tương tự loại bệnh do virus truyền nhiễm HMPV có tính lây lan mạnh đang hoành hành ở Trung Quốc cho thấy nguy cơ bùng phát dịch ở quy mô lớn.
Các triệu chứng của HMPV và những điều cần biết
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, HMPV là loại virus thường hoạt động mạnh vào cuối mùa đông và đông xuân giống như các bệnh đường hô hấp theo mùa khác. HMPV, RSV và cúm có thể lưu hành đồng thời trong mùa virus đường hô hấp.
Virus này có thể lây lan từ người sang người khác thông qua tiết dịch từ ho và hắt hơi, tiếp xúc gần như chạm hoặc bắt tay, chạm vào các vật thể hoặc bề mặt có chứa vi rút sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.
Các triệu chứng của người nhiễm HMPV gồm sốt nhẹ đến trung bình, ho liên tục và có thể trở nên nghiêm trọng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, khó thở, mệt mỏi, kém ăn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, HMPV có thể dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới cần đến can thiệp y tế.
Thời gian ủ bệnh ước tính là 3 đến 6 ngày và thời gian trung bình của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng nhưng tương tự như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác do virus gây ra.
Ảnh hiển vi điện tử của HMPV. Ảnh: Science Photo
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do HMPV gây ra. Vì không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể nào HMPV nên việc chăm sóc hỗ trợ như bù nước và kiểm soát sốt sẽ giúp cải thiện các triệu chứng. Cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu suy hô hấp như môi, da xanh xao, nhợt nhạt, hoặc mệt mỏi quá mức thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay lập tức.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, để phòng bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của HMPV, người dân nên thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
Bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi nên che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, rửa tay thường xuyên và đúng cách, tránh chia sẻ cốc và đồ dùng ăn uống với người khác. Nên ở nhà tự cách ly khi bị bệnh. Ngoài ra, việc vệ sinh các bề mặt có khả năng bị nhiễm bẩn (như tay nắm cửa và đồ chơi chung) có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của HMPV.
Việt Nam vẫn đang theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của dịch bệnh do virus HMPV
Chiều ngày 5/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi ghi nhận các thông tin nêu trên, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương) và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc).
Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời chưa được xác minh độ tin cậy và tính chính thống của thông tin trên các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội nêu trên.
TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng đã chủ động theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc.
"Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh. Đặc biệt là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan" - ông Đức nhấn mạnh.
Thanh Đào