HMPV cũng là một virus phổ biến gây nhiễm trùng hô hấp. Ảnh: Artemis
Virus HMPV có tốc độ lây lan ít hơn 2 lần so với SARS-CoV-2
Liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới đã có thông tin chính thức. Theo đó, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, hiện tại quốc gia này đang ghi nhận xu hướng gia tăng đối với các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân phổ biến như virus cúm theo mùa, RSV, HMPV. Các cơ quan y tế tại Trung Quốc xác nhận rằng hệ thống y tế không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn thời điểm này năm ngoái và không có tuyên bố hoặc đáp ứng khẩn cấp nào được thực hiện.
Trước đó, ngày 2/1, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - hMPV) và nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, COVID-19 đồng thời lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Theo WHO, không chỉ ở Trung Quốc mà tại nhiều nơi, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính như HMPV cũng có xu hướng gia tăng như ở châu Âu, Trung Mỹ và Caribbean, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia ở châu Á.
WHO đánh giá sự gia tăng số ca mắc các nhiễm trùng qua đường hô hấp cấp tính ở nhiều quốc gia Bắc bán cầu trong những tuần gần đây đã được dự báo trước và không có yếu tố nào bất thường. Nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp cùng xảy ra trong giai đoạn mùa đông có thể gây ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế của các quốc gia.
Lý giải về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, do trong thời gian đại dịch COVID-19 giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do HMPV tại các quốc gia giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm. Trong khi đó, bệnh do virus HMPV vẫn là bệnh xảy ra hằng năm, đặc biệt thời gian đông - xuân. Vì vậy, khi vào mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng.
"Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác. Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi,… cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời, rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Tóm lại cần phòng bệnh như COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác", ông Phu khuyến cáo.
Virus HMPV là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại TPHCM. Ảnh: Đan Phương
Về loại virus này tại Việt Nam, theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, virus HMPV không phải là virus mới. Đây từng là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em, đã được ghi nhận tại TPHCM, nhưng chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như: Rhinovirus (44,6%) hay virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), hay cúm A (25%).
Virus HMPV từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024. Trong đợt bùng phát các bệnh viêm đường hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó tác nhân do virus HMPV cũng được phát hiện, với tỷ lệ 15%.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, HMPV không có khả năng gây ra đại dịch lớn. Nguyên nhân là do tỉ suất tái tạo căn bản của HMPV là 2 trong khi đó ở SARS-CoV-2 có thể lên đến 5 hay cao hơn đối với biến chủng Delta. Vì vậy HMPV có mức độ lây lan hạn chế hơn, thường gặp vào cuối mùa Đông còn SARS-CoV-2 có thể xảy ra vào bất cứ mùa nào với mức độ lây lan nhanh tạo thành đại dịch.
"HMPV thường gây nên sốt nhẹ và các triệu chứng hô hấp như chảy mũi, đau họng, ho, thở ran rít trong khi đó bệnh Covid-19 gây triệu chứng năng hơn như sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, các triệu chứng hô hấp như ho có thể diễn tiến nặng thành suy hô hấp gây tử vong. HMPV chỉ đáng quan ngại khi xảy ra ở bệnh nhân nhỏ tuổi, người già hoặc người có bệnh nền trong khi đó Covid-19 có thể gây tử vong ở bất cứ lứa tuổi nào" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.
Ngành Y tế chủ động theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, đơn vị đã chủ động việc theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc, cung cấp thông tin chính xác đến sớm nhất với người dân.
Trước đó, ngày 16/12/2024, Cục Y tế dự phòng đã có công văn số 1432/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân.
Theo TS. Trần Đại Quang, Phó phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để ngăn dịch bệnh xâm nhập, cần tiếp tục các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và giám sát các sự kiện như phát hiện chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Human metapneumovirus (HMPV) là một loại virus thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001. HMPV có liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV) và là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện tháng 7-12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy, HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác.
"Đối với các dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân, hoặc có nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài, Bộ Y tế luôn có 2 kênh theo dõi: Thông qua các mạng lưới đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi có bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch bệnh, chúng ta sẽ nhận được thông tin ngay; và theo dõi qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện để bám sát ngay từ các thông tin ban đầu, kể cả tin đồn" - TS. Trần Đại Quang cho hay.
Theo TS. Trần Đại Quang, với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xảy ra, Bộ Y tế vẫn đang theo dõi, giám sát thường xuyên. Khi có bất kỳ diễn biến mới nào, đặc biệt có nguy cơ xâm nhập, ngành Y tế sẽ kích hoạt hệ thống kiểm dịch y tế, sẽ có các biện pháp kiểm soát ngay tại cửa khẩu, kiểm soát trước khi các hành khách nhập cảnh vào nội địa. Điều này giúp Việt Nam luôn chủ động trước các dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào trong nước.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, số ca mắc các bệnh đường hô hấp cũng gia tăng mạnh. Ảnh: Đình Hưng
Đại diện Bộ Y tế cho biết, trước thời điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang cận kề, Bộ cũng đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh đầu năm, mùa đông - xuân, gửi về các địa phương để có sự chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 và bố trí kinh phí khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng.
"Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus và các bệnh thường xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm. Chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, tổ chức đáp ứng kịp thời, hiệu quả để kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và chuẩn bị sẵn sàng các phương án trong tình huống ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, thiết bị, nhân lực cho điều trị và phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng trong mọi tình huống.
Thanh Đào