Khi hàng triệu người trẻ sẵn sàng thức trắng đêm để xem người khác cãi nhau, khi công chúng sẵn sàng chi tiền để “đối chất”, thì chính họ đang tiếp tay để những scandal vô bổ ấy trở thành cỗ máy in tiền.
ViruSs bỏ túi hàng trăm triệu đồng nhờ “thị phi tình ái”
Ồn ào tình cảm giữa ViruSs và những người liên quan nhanh chóng bị đẩy lên đỉnh điểm, không chỉ bởi câu chuyện riêng tư mà còn bởi cách các nhân vật chính biến nó thành công cụ kiếm tiền.
Buổi livestream của ViruSs thu hút rất đông người xem.
Trong suốt drama kéo dài hơn 10 ngày, ViruSs đã 3 lần livestream đối chất, thu hút hàng triệu lượt xem mỗi lần. Tuy nhiên, điều gây chú ý nhất là nam streamer không cho phép người xem tự do bình luận mà yêu cầu phải đăng ký trả phí (130.000–155.000 đồng/tháng) mới được tham gia đối thoại.
Chỉ sau phiên livestream tối 28/3, số người đăng ký mới tăng thêm 629 người, nâng tổng số lên hơn 4.283 tài khoản. Nếu tính trung bình mức phí khoảng 135.000 đồng/người/tháng, số tiền ViruSs thu được từ tính năng này ước đạt hơn 578 triệu đồng.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi buổi phát sóng còn mang về cho anh hàng loạt quà tặng ảo trị giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, như biểu tượng TikTok Universe (18 triệu đồng) hay sư tử (12 triệu đồng). Ước tính tổng thu nhập từ ba buổi livestream có thể dao động từ 600 đến 800 triệu đồng – con số khổng lồ được tạo ra từ chính sự tò mò, bức xúc của công chúng.
Tuy nền tảng không công khai mức khấu trừ chính xác, nhưng theo quy định thông thường, nhà sáng tạo nội dung như ViruSs sẽ được nhận khoảng 50–80% tổng số tiền người xem gửi tặng, phần còn lại thuộc về nền tảng.
Ngọc Kem cũng livestream giải đáp mọi thắc mắc.
Ai đang nuôi sống những scandal vô nghĩa?
Thực tế, scandal không thể “sống” nếu không có khán giả. Mỗi lượt xem, mỗi bình luận, mỗi xu donate trong những buổi livestream tranh cãi đều trở thành đồng tiền nuôi dưỡng drama, giúp người trong cuộc kiếm lợi nhuận kếch xù từ chính sự phẫn nộ, tò mò của công chúng.
Điều đáng lo ngại hơn cả là hàng triệu người trẻ – lực lượng nòng cốt của xã hội – lại sẵn sàng thức đêm, tiêu tốn hàng giờ đồng hồ để theo dõi những cuộc tranh cãi tình ái vô nghĩa, thay vì dành thời gian cho học tập, sáng tạo hay phát triển bản thân.
Những phiên livestream về ồn ào tình ái đã đem về cho ViruSs hàng trăm triệu đồng.
Khi scandal, đấu tố đời tư và những màn “bóc phốt” trở thành món giải trí được săn đón, khi việc tranh cãi, chỉ trích bị biến thành công cụ kiếm tiền, đó không còn là vấn đề riêng của những người tạo ra drama, mà là vấn đề của chính cộng đồng.
Chúng ta có quyền phẫn nộ, nhưng cần phẫn nộ đúng chỗ. Thay vì “nuôi lớn” những câu chuyện vô bổ, hãy tỉnh táo trước những chiêu trò truyền thông và dành sự quan tâm của mình cho những giá trị có ích, những nội dung lành mạnh và tích cực.
Quỳnh Hoa