1. Vitamin và khoáng chất nào tốt cho mắt cận thị?
Chế độ dinh dưỡng cân bằng có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ mắt và hỗ trợ sức khỏe thị lực, đặc biệt đối với người bị cận thị. Việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường chức năng thị giác, giúp mắt duy trì được thị lực một cách tối ưu.
Do đó, đối với người bị cận thị, ngoài việc đeo kính thuốc, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhằm hạn chế tình trạng tăng độ cận nhanh.
Các vitamin và khoáng chất có lợi cho mắt gồm:
- Beta-caroten và vitamin A giúp bảo vệ giác mạc
Vitamin A đóng vai trò trong quá trình biệt hóa và duy trì chức năng bình thường của các tế bào giác mạc. Khi cơ thể thiếu dưỡng chất này có thể gây tổn thương giác mạc. Beta-carotene là một tiền chất của vitamin A, cũng góp phần bảo vệ sức khỏe giác mạc nhờ khả năng giảm viêm, chống oxy hóa, hạn chế các tổn thương do viêm nhiễm và gốc tự do.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và beta-carotene vào chế độ ăn sẽ giúp tăng cường thị lực, bảo vệ niêm mạc và giác mạc, tránh quáng gà, khô mắt... từ đó ngăn chặn tình trạng cận thị tiến triển nặng hơn.
Các thực phẩm giàu vitamin A, beta-caroten gồm: Gan động vật, lòng đỏ trứng, sữa, trái cây có màu vàng đậm (cam, cà rốt, ớt...), rau có màu xanh đậm (rau cải, rau chân vịt)...
Thực phẩm giàu beta-caroten và vitamin A.
- Vitamin C ngăn ngừa tổn thương mô mắt
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào mắt khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra. Dưỡng chất này còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành collagen - một loại protein thiết yếu trong cấu trúc giác mạc và củng cố mạch máu tại mắt.
Vitamin C còn có tác dụng giảm tác hại của tia cực tím với mắt. Khi bổ sung đủ vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng. Mặc dù các bệnh lý này không thuộc nhóm tật khúc xạ nhưng làm gia tăng tình trạng cận thị. Do đó vitamin C có khả năng hỗ trợ nâng cao sức khỏe và chất lượng thị lực của người mắc tật này.
Các thực phẩm giàu vitamin C gồm: Trái cây có vị chua, có múi (cam, quýt, bưởi, chanh), ổi, cà chua, súp lơ...
- Vitamin E giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng
Mặc dù thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý mắt thường gặp ở người cao tuổi, nhưng tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến những người bị cận thị.
Nguyên nhân là do sự tích tụ của các gốc tự do dẫn đến suy giảm khả năng nhìn chi tiết. Vitamin E với đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp trung hòa các gốc tự do, giảm thiểu tổn thương tại điểm vàng và hỗ trợ ngăn ngừa tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng. Vitamin E còn có tác dụng bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh, phòng bệnh cườm mắt.
Các thực phẩm giàu vitamin E gồm: Các loại hạt, dầu đậu nành, dầu đậu phộng...
- Lutein và zeaxanthin bảo vệ võng mạc
Lutein và zeaxanthin là các carotenoids tập trung chủ yếu ở điểm vàng của mắt. Các dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì thị lực, bảo vệ võng mạc khỏi ánh sáng xanh nên đặc biệt có lợi cho người bị cận thị.
Những lợi ích chính của hai dưỡng chất này bao gồm:
- Hạn chế tổn thương võng mạc: Lutein và zeaxanthin có khả năng hấp thụ ánh sáng xanh năng lượng cao, giúp giảm thiểu tổn thương tiềm ẩn cho võng mạc và cải thiện hiệu suất thị giác.
- Chống oxy hóa mạnh mẽ: Giúp trung hòa các gốc tự do, bảo vệ tế bào mắt khỏi căng thẳng oxy hóa.
Các thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin gồm: Rau xanh đậm (rau cải xoăn, rau chân vịt, hoa lơ xanh, bắp cải, rau khoai lang...), măng tây; các loại củ/quả (bắp ngô, bí đỏ, cà rốt, cam, đu đủ...).
Các thực phẩm giàu kẽm tốt cho mắt cận thị.
- Kẽm giúp điều hòa enzyme bảo vệ mắt
Kẽm là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc và hoạt động của nhiều enzyme trong võng mạc, giúp duy trì chức năng thị giác hiệu quả. Ngoài ra, kẽm còn hỗ trợ vận chuyển vitamin A từ gan đến mắt.
Các thực phẩm giàu kẽm gồm: Thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, chuối, nho, chà là, sung, quả bơ, hạnh nhân...
- Omega-3 ngăn ngừa khô mắt
Acid béo omega-3, đặc biệt là DHA có thể hỗ trợ kiểm soát cận thị, bằng cách điều chỉnh quá trình truyền máu màng đệm. DHA cũng có khả năng kích thích tuyến lệ, giúp duy trì độ ẩm và hạn chế tình trạng khô, mỏi, đau nhức mắt.
Các thực phẩm giàu omega-3 gồm: Cá hồi, dầu cá, các loại hạt (hướng dương, óc chó, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng)...
2. Lưu ý khi bổ sung chất dinh dưỡng cho người bị cận thị
Nhằm đạt hiệu quả tối ưu nhất trong quá trình cải thiện sức khỏe thị lực từ các chất dinh dưỡng, ngoài việc lựa chọn những thực phẩm tốt cho mắt cận thị, cần chú trọng đến việc kết hợp chúng sao cho cân bằng. Theo đó, cần lưu ý:
- Không lạm dụng: Việc bổ sung quá nhiều dưỡng chất sẽ mang đến dư thừa, đặc biệt là thừa các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin E cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Chọn thực phẩm tươi mới: Ưu tiên sử dụng rau xanh, trái cây, cá và thịt nạc tươi để đảm bảo cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho mắt. Hạn chế sử dụng chất dinh dưỡng dưới dạng thực phẩm chức năng, thuốc, trừ khi có ý kiến của bác sĩ.
- Kết hợp đa dạng thực phẩm: Chế độ ăn nên được kết hợp đa dạng các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, thịt, cá để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Chế biến lành mạnh: Nên sử dụng phương pháp nấu lành mạnh, đơn giản, ít gia vị như hấp, luộc, hoặc áp chảo nhẹ để giữ nguyên dưỡng chất trong thực phẩm. Hạn chế chiên rán, nướng nhiều dầu mỡ để tránh tăng chất béo bão hòa không có lợi cho mắt.
Ngoài ra, người bị cận thị cần rất hạn chế các thực phẩm như: Thực phẩm chứa nhiều đường, chứa chất béo xấu, đồ uống có cồn, thực phẩm chứa nhiều muối...
TS.BS.Nguyễn Thu Hiền