Thông tin việc Mỹ áp thuế qua lại lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam vượt mọi dự báo bi quan nhất khiến thị trường chứng khoán sáng lao dốc từ đầu phiên, thổi bay thành quả tăng giá trong hơn 2 tháng trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index giảm 87,99 điểm, tương đương 6,68% xuống 1.229,84 điểm. Toàn sàn 13 mã tăng và 517 mã giảm, 263 mã nằm sàn. Đây là mức giảm mạnh nhất lịch sử của VN-Index tính theo số tuyệt đối. Vốn hóa toàn thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 500.000 tỷ, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng.
VN-Index "bốc hơi" gần 88 điểm, hàng trăm cổ phiếu lao dốc.
HNX-Index giảm 17,18 điểm xuống 220,95 điểm. Toàn sàn có 14 mã tăng, 214 mã giảm và 104 mã nằm sàn. UPCoM-Index giảm 8,1 điểm xuống mức 90,54 điểm.
Áp lực bán tháo diễn ra dữ dội khi nhà đầu tư liên tục đặt lệnh bán sàn hàng loạt cổ phiếu blue-chip và cả nhóm vốn hóa nhỏ, khiến toàn thị trường rung lắc mạnh, gần như không có lực cầu nào đủ mạnh để hấp thụ nguồn cung khổng lồ này.
Toàn sàn HOSE hôm nay có 517 cổ phiếu giảm giá, áp đảo so với 13 mã giao dịch trên ngưỡng tham chiếu. 263 cổ phiếu giảm sàn thể hiện tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư.
Thanh khoản đẩy lên cao kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên HoSE vượt 38.000 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh đạt gần 1,8 tỷ cổ phiếu. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị khớp lệnh lên đến hơn 42.000 tỷ đồng.
Thị trường có lúc chỉ còn 5 cổ phiếu tăng điểm gồm YBM, DTL, S4A, PGI và HAS. Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu giảm có lúc lên đến 521 mã. Hơn nửa phân trong số này mất hết biên độ và không có bên mua, trong khi khối lượng dư bán có mã lên đến vài chục triệu cổ phiếu.
Trong nhóm cổ phiếu VN30, không có mã nào giữ được sắc xanh, tất cả đồng loạt giảm điểm và phần lớn trong đó giảm hết biên độ cho phép. Đặc biệt, nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đều chứng kiến sự lao dốc nghiêm trọng.
Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn giảm sàn như TCB, BID, MBB, CTG, VPB, SHB, TPB, MSB. Nhiều mã khác cũng rơi vào trạng thái bán tháo mạnh, mất thanh khoản tại giá sàn, góp phần kéo tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn như VCB (-6,64%), EIB (-6,57%), ACB (-6,55%), VIB (-6,52%). Điểm sáng hiếm hoi là SSB, cổ phiếu ngân hàng duy nhất giữ được sắc xanh khi tăng nhẹ 0,52% bất chấp áp lực bán...
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên bình tĩnh, tránh bán tháo theo tâm lý đám đông. Thay vào đó, cần tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, duy trì thanh khoản ổn định và có khả năng phục hồi nhanh khi thị trường ổn định trở lại.
PV