Kỳ vọng đàm phán thuế
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, giới đầu tư có cùng nhận định lạc quan về triển vọng đàm phán thuế giữa hai nước. Một trong những dữ liệu được NĐT quan tâm về nội dung cuộc điện đàm là quan hệ thương mại song phương khi hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương.
Trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị phía Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, cũng như khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Ngay sau cuộc điện đàm này, giới phân tích đã có những nhận định tích cực về TTCK. Maybank Investment Bank (MSVN) là tổ chức đầu tiên công bố báo cáo phân tích về sự kiện này với nhận định cho rằng tâm lý thị trường được kỳ vọng cải thiện khi các chi tiết được làm rõ.
Dẫn chứng trong phiên giao dịch sau cuộc điện đàm, cổ phiếu Nike tăng 4%, phản ánh niềm tin của thị trường vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nơi chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất giày và hàng may mặc cho hãng này.
TTCK Việt Nam cũng phản ứng tích cực ngay sau đó khi dòng tiền đổ mạnh vào TTCK phiên 3-7 với gần 39.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2 phiên 3-7 và 4-7, khối ngoại mua ròng đột biến hơn 3.800 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm tài chính 2025 đạt 15,1%, MSVN giữ nguyên mục tiêu VN Index ở mức 1.500 điểm, tương ứng với định giá P/E đạt 12,5 lần, gần bằng mức trung bình 5 năm đã điều chỉnh.
Trong bối cảnh hiện tại, MSVN tiếp tục ưu tiên các nhóm cổ phiếu có chính sách chi trả cổ tức và thuộc các lĩnh vực được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng như công nghệ thông tin, logistics, hàng không. Đồng thời, các ngành được hỗ trợ trực tiếp từ các gói kích thích kinh tế trong nước như bất động sản, tiêu dùng và thép cũng nằm trong danh mục tập trung.
Những nhóm cổ phiếu này được MSVN đưa vào chiến lược đầu tư nhờ triển vọng tăng trưởng ổn định trong bối cảnh dòng vốn có xu hướng dịch chuyển theo hướng phòng thủ và ưu tiên hiệu quả sử dụng vốn.
Câu chuyện nâng hạng
Ngày 25-6, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường năm 2025. Theo đó, TTCK Việt Nam không được đề cập trong báo cáo, đồng nghĩa với việc chưa thể góp mặt trong danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
Kết quả này không quá bất ngờ cho thị trường khi Việt Nam vẫn còn nhiều tiêu chí cần cải thiện. Mặc dù vậy, trong báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường công bố tháng 6 năm nay, MSCI ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có thay đổi đáng kể về mặt chính sách và hạ tầng thị trường trong 12 tháng qua.
Một số điểm cải thiện đã được ghi nhận cụ thể là nỗ lực để tiệm cận các chuẩn mực quốc tế bao gồm: (i) NĐT tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và (ii) lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, với FTSE, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí và 2 tiêu chí chưa đạt là “Chu kỳ thanh toán” và “Chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại trong thanh toán”. Hiện 2 tiêu chí này đang được khắc phục thông qua Thông tư 68 và cần thời gian đánh giá dữ liệu sau khi áp dụng.
Theo Công ty Chứng khoán Guotai Junan, trong kịch bản lạc quan nhất, TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng lên trạng thái “Thị trường mới nổi thứ cấp” vào tháng 9.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9, sau hàng loạt giải pháp đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức đánh giá.
Tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính ngày 2-7, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBCKNN nhắc lại Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu nâng hạng thị trường trong năm nay. Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Thu cho biết UBCKNN đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong kỳ đánh giá của FTSE sắp tới vào tháng 9.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, mục tiêu nâng hạng TTCK là một cột mốc kỹ thuật và là bước đi chiến lược để phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, NĐT và doanh nghiệp. Ngược lại, việc nâng hạng cũng mang lại lợi ích cho các NĐT toàn cầu khi có thêm một thị trường chất lượng để lựa chọn.
Theo tính toán của World Bank, nâng hạng được nhìn nhận là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam khi tăng khả năng tiếp cận với các NĐT nước ngoài. Khi đó, thị trường sẽ có mức vốn hóa đạt quy mô lớn, tính thanh khoản hấp dẫn ngang nhiều nước có trình độ phát triển tương tự. Điều này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các NĐT quốc tế vào thị trường Việt Nam tới năm 2030.
Ngoài 2 vấn đề kể trên, NĐT kỳ vọng VN Index vượt ngưỡng 1.500 điểm nhờ các yếu tố như: Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân; giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia; tăng trưởng tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt 16%, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp; Nghị quyết 42 sẽ tạo lập khung pháp lý thống nhất trong xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh hơn hệ thống tài chính; nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 2.200 dự án bất động sản đình trệ; mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công và mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Tài chính chủ động phối hợp, làm việc trực tiếp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để thống nhất xử lý các nội dung liên quan đến tiêu chí nâng hạng TTCK, đảm bảo Việt Nam được xem xét và nâng hạng theo đúng tiến độ.
KIM GIANG