Giao dịch nhóm vốn hóa lớn phiên 25/2.
VN-Index đóng cửa phiên 25/2 ở mốc 1.303,16 điểm, giảm 1,4 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index và UPCoM cũng đều giảm nhẹ. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.000 tỷ đồng và tiếp tục duy trì vị thế bán ròng.
Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE đạt gần 340 tỷ đồng, tập trung “xả” FPT 192 tỷ đồng, HDB 96 tỷ đồng, VCB 92 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có GMD, KDH hơn 40 tỷ đồng; VNM hơn 30 tỷ đồng; CII, NLG, VHC, VGC, KBC hơn 20 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, MWG được dòng tiền khối ngoại “săn đón” lại sau thời gian mải miết bán ròng. Mã được mua ròng hơn 220 tỷ đồng. VCI cũng được mua ròng 75 tỷ đồng, kế đến là HPG, MSN hơn 30 tỷ đồng; SBT, TCB, VCG, SHB, ORS, KSB, PC1 10-20 tỷ đồng...
VN30 giảm mạnh hơn, mất gần 4 điểm và lùi về mốc 1.360,56 điểm. Đa số các mã kết phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là BVH -2,6%. FPT, GVR, HDB, VNM, VPB giảm hơn 1%; còn lại giảm nhẹ. Chiều tăng có BCM tích cực nhất +2,8%, kế đến là MBB +1,7%, VHM +1,2%, MSN +1,2%; BID, GAS, LPB, PLX, VIC tăng nhẹ. SSI, SHB, SAB đứng tham chiếu.
Thị trường giằng co nên các cổ phiếu tại các nhóm ngành chủ yếu dao động trong biên độ hẹp. Nhóm ngân hàng đa số kết phiên trong sắc đỏ, tuy nhiên không có mã nào giảm quá mạnh. BAB, HDB, KLB, VPB giảm hơn 1%, còn lại chỉ giảm nhẹ. Ngược chiều có SGB và BVB tăng mạnh, tỷ lệ lần lượt là +4,7% và +3,4%. BVB của Ngân hàng Bản Việt có sự bứt phá từ đầu năm 2025 đến nay, với mức tăng hơn 36%.
Trong nhóm ngân hàng còn có MBB tăng tốt +1,7%, đồng thời lập đỉnh mới ở vùng giá 23.400 đồng/cp; ABB +1,3%, EIB +1%, BID và LPB tăng nhẹ. MSB, NVB, OCB, PGB, SHB, VBB đứng tham chiếu.
Nhóm chứng khoán lại hầu hết ở chiều tăng. VND và HCM tăng hơn 1%. Một số mã nhỏ tăng tốt hơn như ABW +4,6%, APS +3,2%, AAS +2,3%, BSI +2,3%, HBS +2,7%, ORS +2,9%, WSS +2%... Chiều giảm có HAC -4,2%, APG -1,1%, VFS -1,2%; VIX, SHS, PHS giảm nhẹ; SSI đứng tham chiếu.
Nhóm bất động sản cũng đa số tăng giá. Ngoài VHM, BCM thì dòng tiền ưu ái một số mã nhỏ như NRC +5,3%, SCR +2,6%, NTL +2,8%, TIG +3,4%, DXS +1,8%... DIG, HDC tăng hơn 1%; VIC, DXG, TCH, PDR, SZC, NLG, VPI, IDC, KHG... tăng nhẹ.
Chiều giảm có VRE, NVL, KBC, KDH, SIP, QCG, HPX, AGG... nhưng mức giảm không đáng kể.
NRC của Tập đoàn Danh Khôi có diễn biến tích cực thời gian gần đây. Chỉ trong vòng gần một tháng qua, mã đã tăng gần 50%, từ vùng giá hơn 4.000 đồng/cp lên 6.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 9/2023. Trong khi đó, doanh nghiệp không xuất hiện thông tin hỗ trợ nào đáng chú ý.
Năm 2024, Danh Khôi là một trong những doanh nghiệp bất động sản ghi nhận thua lỗ do doanh thu sụt giảm mạnh. Công ty lỗ ròng hơn 63 tỷ đồng, đánh dấu năm thua lỗ thứ hai kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, trong khi năm 2023 lãi gần 12 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, công ty cũng đã lỗ gần 73 tỷ đồng.
Tại nhóm thép, sau phiên “hưng phấn” hôm qua, HPG và HSG cùng giảm nhẹ, NKG giảm 1,4%. Ngược chiều, TLH của Thép Tiến Lên và VCA của Thép Vicasa tăng trần phiên thứ hai liên tiếp. Các mã khác trong nhóm biến động nhẹ.
Tại các nhóm ngành khác, một số mã thu hút dòng tiền là DDV của nhóm phân bón, tăng hơn 4%; KSB của nhóm khoáng sản, tăng hơn 3%; DRI của nhóm cao su, tăng gần 6% và lập đỉnh ở vùng giá 16.700 đồng/cp. GEE của Điện lực Gelex cũng tiếp tục “phi mã”, tăng gần 6% lên đỉnh mới 61.800 đồng/cp. Chỉ từ đầu năm 2025 đến nay, mã đã tăng gấp đôi giá trị.
Phạm Ngọc