VN-Index giảm gần 11 điểm trong phiên chốt NAV quý I/2025

VN-Index giảm gần 11 điểm trong phiên chốt NAV quý I/2025
2 ngày trướcBài gốc
VN-Index khép lại tuần trước ở mức 1.317,46 điểm, tương ứng giảm 0,33%, với khối lượng giao dịch giảm 11,5% so với tuần trước đó. Bước sang phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2025, thị trường có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu khi áp lực bán tiếp tục gia tăng. Chính điều này đã đẩy VN-Index giảm dưới mốc hỗ trợ quan trọng. Trong bối cảnh thị trường chung vẫn chịu sức ép lớn từ nhóm vốn hóa lớn, nhiều cổ phiếu tầm trung và nhỏ lại thu hút dòng tiền và duy trì sắc xanh tích cực.
Áp lực bán trở nên mạnh hơn vào phiên chiều và khiến các chỉ số tiếp tục rung lắc mạnh. Thậm chí, một số nhóm ngành cổ phiếu đã xuất hiện tình trạng bị bán tháo. Tâm lý nhà đầu tư vì vậy cũng trở nên bị quan hơn. Thanh khoản thị trường ghi nhận sự bứt phá đáng kể so với phiên trước, phản ánh mức độ giao dịch sôi động trong bối cảnh áp lực chốt lời gia tăng.
Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2025. Đây cũng là thời điểm các quỹ đầu tư chốt giá trị tài sản ròng (NAV). Tuy nhiên, trái với kỳ vọng các quỹ mua vào các cổ phiếu trụ để giữ nhịp thị trường, nhóm dẫn dắt ghi nhận đà giảm mạnh khiến chỉ số tiếp tục mở rộng biên độ điều chỉnh. VN-Index biến động dưới mốc tham chiếu trong toàn bộ thời gian của phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.306,86 điểm, tương ứng giảm 10,6 điểm (-0,8%) so với phiên trước. HNX-Index giảm 3,14 điểm (1,32%) xuống 235,06 điểm. UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,58%) xuống 98,05 điểm.
Số mã giảm áp đảo hoàn toàn với 498 mã chứng khoán, trong khi chỉ có 248 mã tăng giá. Toàn thị trường vẫn ghi nhận 25 mã tăng trần, trong khi có 17 mã giảm sàn.
Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm VN-Index
Dù là phiên giao dịch chốt NAV của các quỹ nhưng sắc đỏ lại áp đảo trong nhóm VN30. Trong nhóm này có đến 20 mã giảm trong khi chỉ có 8 mã tăng giá. Mức độ tăng của các mã này cũng đều dưới 1%. Trong đó, GVR gây bất ngờ khi bị bán xuống mức giá sàn 32.400 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh vọt lên hơn 9 triệu đơn vị. GVR là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 2,28 điểm. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VCB, FPT, BCM, MSN… cũng đồng loạt giảm mạnh và tác động xấu đến thị trường chung.
Bên cạnh GVR, hàng loạt các cổ phiếu cao su khác cũng lao dốc mạnh, như cổ phiếu PHR và DPR cũng bị kéo xuống mức giá sàn. DRI còn giảm đến hơn 8,4%, TRC giảm 5,8%...
Nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất cũng có một phiên giao dịch tiêu cực. DGC giảm hơn 3,2%, CSV giảm đến 4,86%, DDV giảm 3,5%.
Sáng nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT tiết lộ, trong quý I/2025, doanh thu Tập đoàn đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 800 tỷ. Kế hoạch kinh doanh năm 2025 cổ đông thông qua với doanh thu 10.385 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với thực hiện năm 2024 và lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với thực hiện năm 2024. DGC dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 30%, tương đương năm 2024. Giá cổ phiếu DGC đã giảm từ mức 120.000 đồng/cổ phiếu tại kỳ họp năm ngoái xuống dưới mức 3 con số sau phiên điều chỉnh mạnh hôm nay. Theo lời khuyên tới cổ đông của Chủ tịch Đào Hữu Huyền, cổ đông có bao nhiêu giữ bấy nhiêu, đừng bán đi, đừng mua vào vội, tương lai của Đức Giang trong 5 năm tới còn rất mạnh. “Cứ ăn no, ngủ kỹ, sẽ chiến thắng trong 5-10 năm tới", ông Huyền đưa ra những chia sẻ tại Đại hội.
Ở chiều ngược lại, MBB là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index với 0,29 điểm khi tăng 0,84% ở phiên hôm nay. Các mã như MSB, VNM, KBC… cũng có diễn biến tương đối tích cực. Một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và chứng khoán như HDC, FTS, NLG, VCI… cũng đi ngược thị trường và có giao dịch tích cực ở phiên hôm nay.
Khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên 31/3
Thanh khoản thị trường tăng khá mạnh so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt gần 868 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 21.206 tỷ đồng, tăng 24%. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 22,3% lên 17.545 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 973 tỷ đồng và 611 tỷ đồng. Tổng cộng, thanh khoản trên ba sàn đạt 22.790 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.360 tỷ đồng trên toàn thị trường. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu Vinamilk (VNM) với giá trị gần 166 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG, SSI và FPT đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, VIX được mua ròng mạnh nhất với 77 tỷ đồng. KBC đứng sau với giá trị mua ròng là 48 tỷ đồng.
Tùng Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/vn-index-giam-gan-11-diem-trong-phien-chot-nav-quy-i2025-d260914.html