VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử, một nhóm ngành ngược dòng tăng trần

VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử, một nhóm ngành ngược dòng tăng trần
21 giờ trướcBài gốc
Thị trường chứng khoán bị bao phủ bởi màu đỏ và màu xanh lơ phiên 3/4. Ảnh: Hà Anh - MekongASEAN
Sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu cao chưa từng có đối với hàng chục nền kinh tế vào rạng sáng ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc ngay từ thời điểm mở cửa phiên 3/4.
Chỉ số VN-Index mất hơn 40 điểm sau phiên ATO và giảm mạnh trong suốt phiên sáng. Tạm nghỉ giữa giờ, VN-Index giảm 82,28, tương đương 6,28% (tỷ lệ tối đa 7%) về còn 1.235,55 điểm. HNX-Index thậm chí còn giảm 7,04%, tương đương 16,76 điểm về còn 221.38 điểm.
Điểm tích cực nhỏ nhoi trong phiên “sập” sáng 3/4 là thanh khoản gia tăng đột biến, chứng tỏ lực cầu trong nước đỡ thị trường vẫn còn rất khỏe. Trong phiên sáng 3/4, có tổng cộng 1,45 triệu cổ phiếu giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE, tương đương giá trị 31.244,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 70,4% và 62% so với cả phiên 2/4. Đây mới là lần đầu tiên, thanh khoản sàn HOSE vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng trong một phiên kể từ ngày 24/6/2024.
Hầu hết cổ phiếu có thanh khoản cao đồng loạt giảm sàn phiên 3/4.
Tình thế không có nhiều thay đổi trong phiên chiều, khi chỉ số về bản chất đã giảm tới gần ngưỡng kịch biên và khó có thể giảm thêm.
Chốt phiên 3/4, chỉ số VN-Index giảm 88 điểm, tương đương 6,68%, cao nhất trong lịch sử giao dịch của thị trường. Phiên giảm điểm đẩy chỉ số về còn 1.229,84 điểm, xóa tan mọi thành quả đạt được trong quý 1/2025.
Chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index với biên độ lớn hơn, giảm lần lượt 7,22% và 8,17% về còn 220,95 điểm và 8,17 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng mất 93,76 điểm, tương đương 6,81% về còn 1.283,18 điểm.
Toàn thị trường, chỉ có đúng 84 mã tăng điểm, trong khi số mã giảm là 1.081 mã, với 426 mã giảm sàn.
Trong phiên bị bán tháo, trên sàn HOSE có tổng cộng 1,76 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, tương đương giá trị 39.630 tỷ đồng, tăng lần lượt 108% và 105% so với ngày 2/4.
Dù thanh khoản ở mức rất cao, phần lớn giao dịch được thực hiện trong phiên sáng. Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE trong phiên chiều, xét về giá trị, đạt chưa tới 8.400 tỷ đồng, giảm mạnh so với buổi sáng và chỉ tương đương 21,2% giá trị giao dịch cả phiên.
Phiên giảm điểm đẩy VN-Index về vùng đáy năm 2025.
Phiên 3/4, nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi xả hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên con số 13. Họ giải ngân 2.040 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi bán ra xấp xỉ 5.734 tỷ đồng. Giá trị rút ròng theo đó lên đến 3.695 tỷ đồng, cao nhất kể từ phiên 29/10/2024.
Cổ phiếu MBB bị bán ròng mạnh nhất thị trường với giá trị lên đến 692 tỷ đồng, theo sau bởi TPB (-355,31 tỷ đồng), FPT (-339,31 tỷ đồng), VNM (-309,27 tỷ đồng), VCB (-267,43 tỷ đồng), STB (-246,3 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, VRE (20,76 tỷ đồng) và VCG (26,07 tỷ đồng) là những mã được mua ròng trên 20 tỷ đồng.
Ở nhóm VN30, SSB của SeABank sau buổi sáng vẫn giữ được sắc xanh và tăng 0,5%, đến chiều quay đầu giảm 2,6% dưới áp lực lớn của thị trường chung. VNM của Vinamilk dù có thời điểm chạm sàn, vẫn phục hồi và thu hẹp đà giảm còn 6,6% vào cuối phiên. 28 mã còn lại trong nhóm VN30 đều giảm kịch biên độ trắng bên mua.
Cổ phiếu bất động sản chứng kiến phiên giảm điểm chưa từng có, đặc biệt là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Những cổ phiếu của các chủ đầu tư khu công nghiệp lớn như BCM của Becamex, KBC của Kinh Bắc, TIP của KCN Tín Nghĩa, SIP của Sài Gòn VRG, VGC của Viglacera, LHG của Long Hậu, IDC của IDICO đồng loạt giảm sàn. SNZ của Sonadezi giảm 12,9% trên sàn UPCOM.
Hàng chục cổ phiếu bất động sản giảm sàn khác có thể kể đến NTC, TID, BCR, TIG, NDN, OCH, CEO, IDJ, CKG, AGG, SJS, FIR, KHG, VHM, SCR, NLG, VCG, DXG, CIG, DXS, SGR, QCG, PDR, DTA, KDH, HDG, HPX, TDH, DIG, TCH, FIT, VPH, LDG, CII.
Trong phiên giảm toàn diện, hầu hết tất cả các ngành đều giảm điểm ngoại trừ cổ phiếu khoáng sản.
YBM của CTCP Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái ngược dòng thị trường, tăng điểm tích cực từ đầu và kết phiên tăng kịch biên độ trên sàn HOSE. KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV dù gặp nhiều lực cản trong phiên, chốt phiên 3/4 vẫn tăng trần trắng bên bán trên sàn HNX lên 249.800 đồng/CP. Bên cạnh YBM và KSV, hàng loạt mã khoáng sản tăng trần khác là BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn, MGC của CTCP Địa chất mỏ – TKV.
Minh Phong
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/vn-index-gia-m-manh-nhat-lich-su-mot-nhom-nga-nh-nguoc-do-ng-tang-tra-n-40004.html