Màu đỏ tràn ngập thị trường phiên 22/5.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên 22/5 trong bối cảnh chứng khoán thế giới diễn biến khá tiêu cực. Chứng khoán Mỹ phiên 21/5 (kết thúc rạng sáng 22/5 giờ Việt Nam) bị bán tháo do chịu áp lực bởi mức tăng đột biến của lợi suất trái phiếu Mỹ, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng dự luật ngân sách mới của Mỹ sẽ tạo thêm căng thẳng cho khoản thâm hụt vốn đã lớn của quốc gia này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/05, chỉ số Dow Jones đánh rơi 816,8 điểm (tương đương 1,91%) xuống 41.860,44 điểm, S&P 500 mất 1,61% còn 5.844,61 điểm, Nasdaq Composite lùi 1,41% xuống 18.872,64 điểm.
Diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới tạo áp lực nhẹ lên phiên giao dịch sáng 22/5. Ngay đầu phiên, VN-Index mở cửa giảm hơn 5 điểm. Dù vậy, với sức kéo mạnh mẽ của nhóm VN30, VN-Index nhanh chóng khỏa lấp số điểm mất đi, và liên tục vươn cao những phút sau đó.
VN-Index tạm nghỉ phiên sáng ở mức cao nhất, tăng 8,87 điểm, tương đương 0,67% lên 1.331,92 điểm. Chỉ số bay cao trên đôi cánh bất động sản, khi những ông lớn như VIC (tăng 5,24%), VHM (4,75%), NVL (1,19%)… đều có những mức tăng điểm tốt và đóng góp tích cực cho thị trường.
Diễn biến VN-Index phiên 22/5. Ảnh: SSI Iboard
Sức ép đột ngột tăng vọt trong phiên chiều khiến chỉ số không duy trì được mức tăng của phiên sáng. Tới 14h15, VN-Index bị đẩy về dưới tham chiếu và chạm đáy phiên, giảm hơn 10 điểm. VN-Index sau đó vượt lên trên tham chiếu trước phiên ATC, tuy nhiên với lực bán ồ ạt, VN-Index tiếp tục bị đẩy về vùng giá đỏ.
Chốt phiên 22/5, VN-Index giảm 9,21 điểm so với tham chiếu và giảm 19,11 điểm so với đỉnh phiên, về còn 1.313,84 điểm. Sắc đỏ thống trị sàn HOSE, với 214 mã giảm/98 mã tăng. Thanh khoản cải thiện trong phiên VN-Index giảm điểm, với 1,157 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị 26.405 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,6% và 4,6% so với phiên 21/5.
Nhóm VN30 cũng có phiên giao dịch đáng quên với 24 mã giảm và chỉ 4 mã tăng là VHM (1,19%), GAS (1,16%), MSN (0,63%) và SAB (0,1%). Dù là mã tăng mạnh nhất VN30, trên thực tế, VHM giảm tới 3,4% so với thời điểm chốt phiên sáng. Ngoài VHM, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng từ tăng hơn 5% ở phiên sáng, đảo chiều giảm 1,07% chốt phiên chiều.
Một thành viên khác của Tập đoàn Vingroup là cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl cũng giảm tới 6,12% trong phiên 22/5. Dù không phải là thành viên của VN30, Vinpearl có vốn hóa đứng thứ 8 thị trường chứng khoán. Đà giảm của VPL khiến cổ phiếu này là mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, lấy đi của chỉ số 2,505 điểm.
Cổ phiếu VPL lấy đi hơn 2,5 điểm của VN-Index phiên 22/5. Ảnh: VNDirect
Cổ phiếu ngân hàng suy yếu trong phiên 22/5, khi tất cả các mã trong nhóm VN30 đồng loạt giảm điểm. Trong đó có hàng loạt cổ phiếu giảm trên 1% là TCB (-1,29%), TPB (-1,48%), CTG (-1,52%), HDB (-1,56%), MBB (-1,6%), MSN (-1,69%), LPB (-2%).
Một mã đáng chú ý là EIB của Eximbank. Cổ phiếu EIB tăng mạnh từ sớm và chính thức chạm trần 21.650 đồng/CP đầu phiên chiều. Tuy nhiên, dưới áp lực chung của thị trường, EIB mất giá trần và chỉ còn tăng 4,2% lúc chốt phiên, thanh khoản đạt 36,26 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Cổ phiếu bất động sản với sự đảo chiều của nhóm trụ Vingroup, hầu hết suy yếu. Trong đó, LSG (-4,97%), API (-2,82%), VPI (-2,34%), KDH (-2,25%), AGG (-2,24%), TDH (-2,24%), PDR (-2,09%), BCM (-1,97%), DXS (-1,78%), SIP (-1,66%), IJC (-1,63%) là những cổ phiếu giảm đáng chú ý.
Điểm tích cực trong phiên 22/5 là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 114 tỷ đồng trên sàn HOSE. Phiên này, khối ngoại tập trung mua ròng ở các mã VIX (147,6 tỷ đồng), MWG (134,11 tỷ đồng), VHM (111,79 tỷ đồng), EIB (111,67 tỷ đồng), STB (90 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, FPT (-131,36 tỷ đồng) là cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Minh Phong