VN-Index lên mốc cao nhất 34 tháng, HPG và VNM là 'công thần'

VN-Index lên mốc cao nhất 34 tháng, HPG và VNM là 'công thần'
5 giờ trướcBài gốc
HPG tăng mạnh và dẫn đầu thị trường về thanh khoản.
Phiên 24/2, VN-Index chủ yếu giao dịch giằng co quanh mốc 1.300 điểm. Đây là ngưỡng kháng cự quan trọng mà nhà đầu tư mong đợi nhưng suốt thời gian dài chỉ số không thể vượt qua. Đến cuối phiên, dòng tiền mua mạnh mẽ hơn, kéo VN-Index tăng tốc lên mốc 1.304,56 điểm khi đóng cửa, tăng gần 8 điểm so với kết phiên cuối tuần trước.
Đây cũng là mức cao nhất của chỉ số này trong 34 tháng qua, kể từ tháng 5/2022.
HNX-Index tăng gần 1 điểm, còn UPCoM ngược chiều giảm 0,4 điểm. Thanh khoản tăng vọt so với mức trung bình thời gian qua, đạt hơn 21.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 4.000 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là FPT, với giá trị 250 tỷ đồng; kế đến là HPG 152 tỷ đồng, FRT 70 tỷ đồng; CTG, CII trên 50 tỷ đồng; HAH 35 tỷ đồng; VTP, MSN hơn 20 tỷ đồng... Chiều ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất 192 tỷ đồng, tiếp theo là MWG 130 tỷ đồng, SHB 50 tỷ đồng, GEX 39 tỷ đồng, HDB 36 tỷ đồng; EIB, VCI hơn 20 tỷ đồng...
Trong tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong đầu tuần, trở lại mua ròng vào giữa tuần song lại nhanh chóng quay lại đà "xả" hàng. Lũy kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Các mã bị bán ròng mạnh là MWG, FPT, VNM.
VN30 tăng mạnh hơn với mức tăng gần 11 điểm lên mốc 1.364,52 điểm. Trong đó, HPG có đóng góp lớn nhất khi tăng 4,3% lên giá 27.700 đồng/cp, khớp lệnh đột biến và dẫn đầu thị trường với gần 74 triệu đơn vị được giao dịch.
Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát diễn biến sôi động sau thông tin Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Doanh nghiệp này được nhiều đơn vị phân tích dự báo sẽ hưởng lợi lớn khi dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động sẽ giúp nâng công suất sản xuất HRC của HPG lên mức 6,8 triệu tấn/năm, tăng 70% so với công suất hiện tại.
Bên cạnh HPG, VNM cũng là “công thần” lớn trong việc kéo chỉ số. Mã tăng 3,9% lên giá 63.800 đồng/cp. Sau khi lùi về vùng giá 60.000 đồng/cp (thấp nhất trong gần 2 năm), cổ phiếu của Vinamilk đã có sự phục hồi trong những phiên vừa qua.
Đa số các mã bluechip khác trong VN30 cũng kết phiên trong sắc xanh. Tăng tốt là SSI +2%, HDB +1,7%, SHB +1,4%, STB +1,4%, BVH +1,2%, LPB +1,1%, SAB +1,1%. Chiều giảm có FPT -1,1%; ACB, BCM, PLX, VHM, VIC giảm nhẹ. MSN, VJC đứng tham chiếu.
Với hiệu ứng tích cực từ HPG, các cổ phiếu trong nhóm thép hầu hết nhận được sự quan tâm của dòng tiền. HSG +2%, NKG +2,5%, VGS +6,3%, SMC +3%, TIS +6,1%, TVN +6,8%; VCA, TLH, TDS tăng trần; GDA +1,2%...
Nhóm ngân hàng đa số kết phiên trong sắc xanh nhưng chủ yếu chỉ tăng giá nhẹ. Tăng tốt nhất chính là HDB +1,7%. Chiều giảm có ACB, OCB, VAB; trong đó VAB điều chỉnh sâu nhất -1,9%, sau khi tăng mạnh vào tuần trước.
Nhóm chứng khoán cũng giao dịch tích cực. HCM, SHS tăng hơn 2%; SSI tăng 2%; VND, VIX, VCI tăng hơn 1%. Một số mã nhỏ tăng tốt hơn như BSI tăng trần, FTS +6,6%, APG +4,3%, BMS +4,1%, CTS +4,6%, BVS +3,9%, SBS +3,8%, DSE +3,5%, VDS +3,5%... Chiều giảm chỉ có VFS -1,2%.
Nhóm bất động sản phân hóa hơn. LDG và NRC cùng tăng trần phiên thứ hai liên tiếp. Chiều tăng còn có SIP +2,9%, QCG +2,4%, BCR +2,2%, SGR +2,3%, IDC +1,8%, SZC +1,3%, DXG +1,3%, KBC +1,2%, PDR +1%; VRE, VPI... tăng nhẹ.
Chiều giảm có NVL -1,5%, TDC -3%, CDC -2,3%, TIG -1,7%, IDJ -1,7%, CKG -3,8%; VIC, VHM, NLG, BCM, KHG, DXS... giảm nhẹ. DIG, CEO, KDH, TCH, HDC, HPX, AGG, DTD... đứng tham chiếu.
Tại các nhóm ngành khác, một số cổ phiếu giảm đáng kể là CII -4,8%, VTP -2,8%, FRT -2,8%, VGI -4%...
Phạm Ngọc
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/vn-index-len-moc-cao-nhat-34-thang-hpg-va-vnm-la-cong-than-38586.html