VN-Index 'lỗi hẹn' mốc 1.280 điểm, thị trường đón những 'con sóng' nhỏ lẻ

VN-Index 'lỗi hẹn' mốc 1.280 điểm, thị trường đón những 'con sóng' nhỏ lẻ
2 ngày trướcBài gốc
Dòng tiền dù chưa đủ sôi động để giúp các nhóm ngành tăng tốc, nhưng sự luân chuyển nhanh và nhịp nhàng đã giúp thị trường giao dịch khá ổn định trong những phiên gần đây. Sau phiên đảo chiều hồi phục ngày 13/2, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng và có thời điểm thử thách mốc 1.280 điểm trong phiên sáng 14/2. Tuy nhiên, với tâm lý giao dịch vẫn thận trọng và thiếu các điểm tựa vững chắc, nên chỉ số chung đã nhanh chóng “tuột mất” ngưỡng kháng cự này.
Bước sang phiên giao dịch chiều, chỉ số chung tiếp tục hạ độ cao đôi chút bởi sự suy yếu, thậm chí đảo chiều giảm của nhiều mã lớn và bé trên thị trường. Trong đó, ngân hàng là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến VN-Index khi nhiều mã như CTG, STB, LPB và MBB đã quay đầu về dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên BID đã “gánh” khá tốt khi tăng 1,6%, giúp dòng bank vẫn giữ được đà tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng không còn giữ được phong độ như phiên sáng khi biên độ tăng đều thu hẹp đáng kể, với HCM, VCI, VIX tăng tốt nhất chỉ đạt hơn 1%, còn SSI, VND, ORS, FTS nhích nhẹ quanh mức 0,5%.
Còn xét về vốn hóa, nhóm VN30 suy yếu trong phiên chiều khi đóng cửa chỉ tăng nhẹ chưa tới 3 điểm, với 16 mã tăng và 8 mã giảm. Trong đó, STB giảm mạnh nhất là 1,4%, tiếp theo là MSN giảm 1,2%, còn lại chỉ giảm nhẹ quanh mức 0,5%; ngược lại, GVR vẫn tăng tốt nhất là 3,1%, SSB tăng 2,4%, các mã khác tăng trên dưới 1%.
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bluechip cùng các nhóm trụ cột như bank – chứng – thép có diễn biến kém tích cực hơn, điểm sáng thị trường quay về với những “con sóng” nhỏ lẻ.
Điển hình là cổ phiếu EVF. Lực cầu mạnh mẽ đã giúp EVF sớm khoe sắc tím và đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 10.250 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đứng ở vị trí thứ 4 toàn thị trường và là phiên sôi động nhất của mã này kể từ đầu tháng 6/2024, với gần 18,2 triệu đơn vị khớp lệnh cùng khối lượng dư mua trần hơn 2,3 triệu đơn vị. Ngoài ra, EVF cũng nhận được sự “hậu thuẫn” từ khối ngoại khi được mua ròng khoảng 1,8 triệu cổ phiếu.
Một điểm sáng khác là cổ phiếu HVN khi đóng cửa tăng 7% lên mức giá trần 29.150 đồng/CP với thanh khoản đạt 5,25 triệu đơn vị, gấp gần 5 lần so với mức trung bình 10 phiên gần đây, đồng thời dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.
Thông tin đáng chú ý tại HVN là năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.267 tỷ đồng, tăng vọt so với khoản lỗ 5.632 tỷ đồng của năm trước. Đây là mức lãi cao nhất của HVN kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2015, đồng thời chấm dứt chuỗi 4 năm thua lỗ liên tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã đưa ra lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát.
Đóng cửa, sàn HOSE có 275 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,45%) lên 1.276,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 650 triệu đơn vị, giá trị 14.860 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 26,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,76 triệu đơn vị, giá trị 943,2 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch sôi động và duy trì đà tăng tích cực.
Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,7 điểm (+0,74%), lên 231,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 68,5 triệu đơn vị, giá trị 1.083,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,72 triệu đơn vị, giá trị 113,76 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 vẫn là động lực chính của thị trường khi đóng cửa vẫn tăng gần 7,5 điểm. Trong đó, chỉ có 5 mã là TIG, LAS, DVM, PLC, VC3 giảm nhẹ trên dưới 1%.
Ngược lại, cổ phiếu vừa và nhỏ nhóm ngân hàng là NVB vẫn là điểm sáng khi giữ vững đà tăng trần với thanh khoản bùng nổ, đạt 3,92 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý khác trong nhóm là PVC tăng 2,8% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, CEO tăng 1,6% và khớp 3,14 triệu đơn vị, SHS tăng 1,5% và thanh khoản vượt trội trên thị trường với hơn 16 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS tăng 1,2% và khớp 5,26 triệu đơn vị…
Xét về nhóm ngành, nhóm khoáng sản tiếp tục duy trì phong độ và là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh BMC và FCM trên HOSE vẫn khoe sắc tím, các mã trong ngành trên HNX là BKC, KSV đều đóng cửa với mức giá tăng kịch trần, AMC tăng 6,6%...
Trên UPCoM, thị trường duy trì sắc xanh trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,63%), lên 98,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,64 triệu đơn vị, giá trị 952 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,16 triệu đơn vị, giá trị 24,8 tỷ đồng.
Cũng như NVB, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc. Trong đó, BVB kết phiên tăng 5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị, cặp đôi ABB và VAB cùng tăng 5,5% với thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị…
Bên cạnh đó, các mã vừa và nhỏ khác như AAH, MSR vẫn là tâm điểm trên UPCoM. Trong đó, AAH không lấy lại được sắc tím nhưng đóng cửa vẫn tăng tới 9,8% với thanh khoản chỉ thua BVB, đạt 6,56 triệu đơn vị, còn MSR tiếp tục tăng kịch trần với thanh khoản đạt 4,78 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ. Trong đó, VN30F2502 tăng 4,3 điểm, tương đương +0,3% lên 1.341,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 163.640 đơn vị, khối lượng mở gần 39.030 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, 2 mã thanh khoản cao nhất đều chìm trong sắc đỏ, gồm CMWG2405 với gần 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 16,7% xuống 300 đồng/cq; tiếp theo là CMBB2405 khớp 3,71 triệu đơn vị và giảm 5,9% xuống 640 đồng/cq.
T.Thúy
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/vn-index-loi-hen-moc-1280-diem-thi-truong-don-nhung-con-song-nho-le-post363393.html