Dữ liệu những năm gần đây cho thấy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thường “phát lộc đầu xuân” cho nhà đầu tư.
Cơ hội và rủi ro đều có khả năng xuất hiện
Về xác suất, có 3/5 năm gần đây, thị trường tăng sau Tết, trong đó có 2 năm tăng rất mạnh (trên 4%).
Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Chứng khoán VPBank (VPBankS), biến động ngay sau Tết âm lịch thường mang màu sắc tích cực hơn hơn, dựa trên nhiều yếu tố.
Thứ nhất, trước một kỳ nghỉ Tết dài, dòng tiền thường có xu hướng tìm đến tiền gửi có kỳ hạn, để đảm bảo lợi ích tốt nhất.
Thứ hai, sau Tết, nhà đầu tư có tâm lý tương đối tích cực. Ngoài ra, đến khoảng tháng 2, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa đại hội đồng cổ đông bắt đầu, với nhiều thông tin hỗ trợ trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5, giúp tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Vẫn chưa thể phán đoán chính xác những tác động tốt hay xấu của các sự kiện trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Còn về thanh khoản, sẽ có sự đối nghịch giữa thanh khoản trước và sau Tết.
Thống kê khối lượng giao dịch bình quân 22 phiên trước Tết so với tháng liền trước và 22 phiên sau Tết so với trước Tết, ông Dương cho rằng nếu tháng trước Tết có diễn biến sôi động, tích cực, làm cho thanh khoản tăng thì tháng sau Tết sẽ có xu hướng giảm trở lại. Ngược lại, nếu thanh khoản tháng trước Tết èo uột, rất thấp thì sau Tết sẽ tích cực trở lại. Đối chiếu với thị trường hiện nay, khả năng cao sau Tết, thanh khoản sẽ “sáng” hơn.
Dù vậy cũng phải nhìn nhận rằng, TTCK Việt Nam năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, lại đúng vào thời điểm thế giới có nhiều sự kiện lớn như cuộc họp của FED trong tháng 1/2025 cũng như các chính sách mới của Mỹ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống.
Những rủi ro thông tin có thể xuất hiện trong giai đoạn TTCK Việt Nam tạm nghỉ có thể kể đến như: Kết quả cuộc họp của FED không như kỳ vọng của nhà đầu tư, dẫn đến USD-Index chưa thể hạ nhiệt; Các chính sách mới của Tổng thống Trump có thể gây xáo trộn dòng tiền tài chính toàn cầu trong ngắn hạn; trạng thái bán ròng của khối ngoại trước và sau kỳ nghỉ lễ có còn mạnh hay không…
Kiên nhẫn là một lợi thế
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tích cực, nhiều ý kiến cho rằng khả năng giảm điểm không quá cao, và việc thị trường đang giao dịch ở nền thấp cũng thể hiện sự chiết khấu tương đối cho những rủi ro đó.
Đồng thời, tâm lý nhà đầu tư sau Tết tương đối tích cực bởi sau tháng 2, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường.
Với việc cả cơ hội và rủi ro đều có khả năng xuất hiện, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý tùy theo khẩu vị riêng của mỗi người, nhưng trên hết vẫn phải duy trì một tỷ trọng tiền mặt nhất định để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời cũng nên ưu tiên các cổ phiếu đang có diễn biến khởi sắc từ nền giá hỗ trợ, nên tránh những cổ phiếu đã tăng quá cao hoặc đang có diễn biến kém sắc và đang bị kháng cự.
Ông Đào Hồng Dương cho rằng kiên nhẫn là một lợi thế. Nhà đầu tư càng kiên nhẫn thì góc nhìn về mặt khoa học, tính toán của họ càng chính xác, giúp hạn chế yếu tố về tâm lý.
Khi thị trường ở trạng thái thanh khoản thấp, èo uột và không có xu hướng như hiện tại, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tương đối chán nản, kể cả nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu hay nhà đầu tư tìm điểm mua tốt.
Thế nhưng, đừng quên rằng, TTCK luôn luôn thuộc về những người biết chờ đợi thời điểm chín muồi. Thời điểm chín muồi có thể theo phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hoặc thậm chí là nhà đầu tư theo trường phái cảm nhận dòng tiền thị trường.
“Tôi tin rằng khi đủ kiên nhẫn, tiếp tục theo dõi thị trường và tìm thời điểm phù hợp, nhà đầu tư sẽ nhận được quả ngọt xứng đáng”, chuyên gia VPBankS nói.
Chuyên gia này nhận định sau Tết âm lịch, VN-Index sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn, trong đó phải kể đến ngân hàng.
Dự phóng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng vẫn duy trì như đầu năm, ở mức khoảng 15% cho năm 2024 và hơn 17% cho năm 2025.
P/B ngành ngân hàng đang dao động khoảng 1,5 lần, tương đối hấp dẫn và hợp lý. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ROE hai con số trong năm 2024 thì mức định giá P/B sẽ phản ánh kết quả kinh doanh đó.
Bên cạnh đó, ngành thép cũng được đánh giá sẽ tích cực trong năm 2025. Về cơ cấu lợi nhuận, giá đầu vào bao gồm quặng, than cốc… đang có sự điều chỉnh giảm tương đối sâu so với năm 2023. Giá sản phẩm đầu ra cũng giảm, nhưng không sâu như giá đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành thép nói chung.
Thứ hai, với kỳ vọng trong năm 2025 về chính sách thuế, bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép Ấn Độ, Trung Quốc cũng sẽ tạo nên kỳ vọng tích cực cho ngành thép.
Thứ ba, nhu cầu sử dụng thép trong nước sẽ có sự phục hồi đáng kể trở lại trong năm 2025, dựa trên nền thấp của 2023 - 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng như việc đầu tư công được đẩy mạnh.
Ngoài ra, một số ngành khác như thực phẩm đồ uống được đánh giá tích cực, ROE vẫn ổn định, ghi nhận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng cá nhân và tiêu dùng; y tế cũng được đánh giá tích cực. Bán lẻ được đánh giá rất tích cực. Du lịch giải trí phục hồi tích cực, với ROE năm 2023 âm, nhưng năm 2024 phục hồi mạnh, chuyển từ mức âm sang dương với tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao.
Hải Giang