Khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5/2025 ở mức 1.267,30 điểm, VN-Index tăng 3,34%, lần lượt vượt lên lại các vùng kháng cự mạnh giá trung bình 200 tuần, 200 ngày, trở lại vùng giá cao của phiên giảm mạnh do thông tin áp thuế.
Bước sang phiên giao dịch ngày 12/5, thị trường mở cửa trong tâm lý khá tích cực, giúp chỉ số chính nhanh chóng bật tăng mạnh mẽ. Dù đà tăng này không duy trì được lâu do gặp phải áp lực từ vùng kháng cự gần khiến VN-Index dần thu hẹp biên độ, sắc xanh vẫn được giữ vững cả phiên sáng nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Một số nhóm ngành có dấu hiệu phân hóa rõ rệt, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trước ngưỡng cản quan trọng. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức khá, cho thấy dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội nhưng chọn lọc hơn.
Sang đến phiên chiều, giao dịch vẫn diễn ra tương tự như phiên sáng. Tuy nhiên, sự bất ngờ diễn ra vào khoảng sau 14h. Thông tin Mỹ - Trung đồng ý giảm thuế quan trong 90 ngày xuất hiện đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu đồng loạt tăng giá tốt và giúp nới rộng sắc xanh của các chỉ số. Thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện đáng kể so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,96 điểm (1,26%) lên 1.283,26 điểm. HNX-Index tăng 1,91 điểm (0,89%) lên 216,04 điểm. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,2%) lên 93,59 điểm. Sắc xanh áp đảo với số mã chứng khoán tăng lên tới 502 mã, trong khi chỉ có 260 mã chứng khoán giảm. Toàn thị trường ghi nhận 31 cổ phiếu tăng trần và chỉ có 8 mã giảm sàn.
Tâm điểm của thị trường trong phiên hôm nay tập trung vào một số cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Trong đó, cổ phiếu Techcombank (TCB) nổi bật nhất khi tăng mạnh đến 6,5% lên 29.400 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mã đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 3,03 điểm. Sau phiên hôm nay, Techcombank leo lên vị trí thứ 6 trong top các tổ chức niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường. Bên cạnh đó, VIC cũng tăng đến 3,79% và đóng góp 2,64 điểm cho VN-Index. Ngày mai (13/5), hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của Vinpear sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cổ phiếu.
TCB, VIC và GVR là các trụ cột dẫn dắt đà tăng của VN-Index.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như TPB, GVR, BCM, VIB, FPT… cũng đồng loạt tăng giá tốt. TPB tăng đến gần 5%. Ngày 13/5 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để TPB trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.
Những tín hiệu tích cực về việc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giúp nhà đầu tư có tâm lý tích cực hơn đối với nhóm ngành cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản hay khu công nghiệp. Trong đó, nhóm khu công nghiệp, SZC tăng 5%, IDC tăng 4,91%, SIP tăng 3,86%...
Chiều ngược lại, trong nhóm VN30 chỉ có 2 cổ phiếu giảm giá trong phiên hôm nay là MSN và HPG. HPG giảm 0,97%, còn MSN giảm 1,27%. Đây cũng là hai cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi lần lượt 0,38 điểm và 0,29 điểm. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu như KDH, DHG, ACG… giảm giá và cũng nằm trong danh sách các mã tác động tiêu cực đến VN-Index.
Thanh khoản thị trường có cải thiện đáng kể so với phiên cuối tuần trước với tổng giao dịch trên ba sàn xấp xỉ 24.100 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 903 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 21.642 tỷ đồng (tăng 25%). Riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 19.711 tỷ đồng, tăng 24,3%. Bốn cổ phiếu của Hòa Phát, Techcombank, SHB và FPT đều đạt mức thanh khoản nghìn tỷ với tổng giá trị xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% giao dịch cả phiên.
Khối ngoại quay lại mua ròng mạnh FPT.
Cùng đó, thị trường cũng ghi nhận các giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn cổ phiếu MCH với tổng giá trị hơn 992 tỷ đồng. Nhờ đó, giá trị giao dịch trên UPCoM tăng đột biến 218% lên 1.509 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX cũng tăng 9,4%, đạt 937 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 300 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VCB với 223 tỷ đồng. HPG và STB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 239 tỷ đồng. Đứng thứ hai, cổ phiếu GVR cũng được khối ngoại giải ngân khá, với giá trị mua ròng là 64 tỷ đồng.
Tùng Linh