VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm sau 5 tháng chờ đợi. Ảnh: Phương Lâm.
Kết thúc phiên giao dịch 24/2, chỉ số VN-Index chính thức vượt qua mốc “tâm lý” 1.300 điểm sau 5 tháng chờ đợi. Với biên độ tăng 7,81 điểm (+0,6%) lên 1.304,56 điểm, chỉ số chính đại diện sàn HoSE đã tiến lên mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 0,92 điểm (+0,39%) lên mốc 238,49 điểm, còn UPCoM-Index ngược chiều giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,21 điểm.
Về diễn biến giao dịch, tình trạng rung lắc xuất hiện xuyên suốt phiên hôm nay, chủ yếu đến từ sự giằng co giữa 2 phe mua - bán. Tuy nhiên, sự đồng thuận của dòng tiền vào những phút giao dịch cuối cùng đã giúp VN-Index đi lên tương đối ổn định.
Thanh khoản trên cả 3 sàn cũng được cải thiện đáng kể lên mức cao nhất 3 tháng qua, đạt 23.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc dòng tiền không mang tính lan tỏa khiến bảng điện tử rơi vào trạng thái phân hóa. Trong đó, sắc xanh chủ yếu tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, còn nhóm vừa và nhỏ bị chốt lời tương đối mạnh.
Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 419 mã tăng (gồm 40 mã tăng trần), 802 mã giữ tham chiếu, 388 mã giảm (gồm 15 mã giảm sàn). Riêng rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 21 mã tăng, 3 mã đứng giá và 6 mã điều chỉnh.
VN-Index đã tăng 5 phiên liên tiếp. Ảnh: TradingView.
Với biên độ tăng 4,7%, cao nhất rổ VN30, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu nhóm kéo VN-Index gồm VNM (+3,9%), VCB (+0,4%), CTG (+1%), REE (+4,2%), HDB (+1,7%), BID (+0,5%), GEE (tăng trần), LPB (+1,1%) và STB (+1,4%).
Với trường hợp của HPG, diễn biến giao dịch tích cực xuất hiện sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với mức thuế trong khoảng 19,38-27,83% có hiệu lực sau 15 ngày và áp dụng tạm thời trong 120 ngày, sản phẩm thép Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với Hòa Phát.
Ngoài HPG, nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực, như HSG (+2%), NKG (+2,5%), TVN (+6,8%), TLH (kịch trần), VGS (+6,3%).
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng khởi sắc với HCM (+2,3%), VIX (+1,7%), VCI (+1,4%), MBS (+2,8%), FTS (+6,6%), SHS (+2,2%).
Ngược lại, nhóm tác động tiêu cực lên chỉ số tập hợp những cái tên như FPT (-1,1%), FRT (-2,8%), HVN (-1,1%), VTP (-2,8%), BCM (-0,5%), CII (-4,8%), NVL (-1,5%), CTR (-2%), PLX (-0,5%), OCB (-0,9%).
Khối ngoại đẩy mạnh cơ cấu danh mục khi tăng cường giải ngân lẫn chốt lời. Dẫu vậy, quy mô bán ròng vẫn lên tới 330 tỷ đồng, chủ yếu do chốt lời FPT (-270 tỷ đồng), HPG (-151 tỷ đồng), FRT (-77 tỷ đồng).
Trong khi đó, tiền ngoại được phân phối mạnh vào VNM (+195 tỷ đồng), MWG (+130 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, chuyên gia phân tích từ New World Group, hiện các mốc cần chú ý trong thời gian tới là 1.305, 1.320, 1.335 và 1.350 điểm. Nếu thị trường vượt mốc 1.300 điểm một cách thuyết phục với thanh khoản lớn và sau đó kiểm định lại vùng quanh 1.300 điểm thành công, nhà đầu tư có thể yên tâm tiếp tục mua vào thêm cổ phiếu và nắm giữ.
Chuyên gia này cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần hạn chế tâm lý FOMO và lao vào mua đuổi. Thay vào đó, có thể rút một phần lợi nhuận hoặc cơ cấu các mã cổ phiếu yếu, chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.
Một chuyên gia khác từ New World Group là ông Phạm Trần Đức Thắng cho rằng nhà đầu tư cá nhân nên bắt đầu tìm kiếm những cổ phiếu tốt để đưa vào danh mục đầu tư và lựa chọn thời điểm thích hợp để tham gia vào thị trường. Lý tưởng nhất là khi VN-Index đóng cửa tuần từ mốc 1.300 điểm tối thiểu 2 tuần trở lên, bởi điều này cho thấy lực tăng của thị trường chắc chắn và ít rủi ro hơn.
Minh Khánh