VN30 có thêm một cổ phiếu ngân hàng

VN30 có thêm một cổ phiếu ngân hàng
6 giờ trướcBài gốc
VN30 sẽ có gần một nửa là cổ phiếu ngân hàng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố danh mục thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 1/2025, có hiệu lực từ ngày 3/2 đến 1/8/2025.
Cổ phiếu LPB của LPBank được đưa vào rổ VN30, thay thế cổ phiếu POW của PV Power. Cổ phiếu DGC, EIB và PNJ tiếp tục nằm trong danh mục dự phòng VN30. Trong khi đó, KDH và MSB là hai gương mặt mới ở danh mục dự phòng, thay thế NVL và LPB.
Với sự thay đổi này, số lượng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 tăng lên 14 mã, tiếp tục khẳng định vị thế áp đảo các nhóm ngành khác.
Trong khi đó, nhóm dầu khí trong VN30 chỉ còn lại GAS của PV GAS và PLX của Petrolimex.
Sự thay đổi của rổ VN30 kỳ này phù hợp với dự báo của các đơn vị phân tích trước đó. Trong báo cáo phát hành đầu tháng 1 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã ước tính VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu LPB và loại ra cổ phiếu POW.
Theo VDSC, cổ phiếu LPB đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tư cách tham gia chỉ số (free float - tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng và thanh khoản). Đồng thời khi xếp hạng ưu tiên về giá trị vốn hóa, LPB nằm trong Top 20 cổ phiếu có giá trị vốn hóa nổi bật nhất.
Cổ phiếu POW chính thức được thêm vào rổ VN30 từ kỳ cơ cấu quý 1/2020. Trong kỳ cơ cấu lần này, mặc dù không vi phạm về các tiêu chí như thanh khoản nhưng khi xếp hạng về giá trị vốn hóa thì POW không nằm trong Top 30 doanh nghiệp được ưu tiên. Do vậy POW vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chí nằm trong danh mục chỉ số VN30.
Thực tế, POW là một trong những mã “ì ạch” nhất rổ VN30 khi những năm qua không có nhiều đột phá. Mã đang giao dịch tại vùng giá hơn 11.000 đồng/cp - thấp hơn giá thời điểm lên sàn hồi đầu năm 2018. Vốn hóa thị trường đạt hơn 27.000 tỷ đồng.
Ngược lại, LPB có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và liên tục lập đỉnh. Hiện mã đang giao dịch ở vùng giá cao nhất lịch sử gần 32.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường đạt hơn 94.500 tỷ đồng.
Hiện nay trên thị trường có 4 quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu gồm DCVN30, KIMVN30, MASVN30 và BVFVN30 với tổng tài sản đạt hơn 9.400 tỷ đồng. Quỹ DCVN30 là quỹ có tổng tài sản lớn nhất, đạt khoảng 6.784 tỷ đồng và đã giảm 10,14% so với đầu năm 2024. Trong đó quy mô quỹ bị rút ròng hơn 2.300 tỷ đồng và giá trị tài sản thuần (NAV) ghi nhận tăng trưởng 20,7% trong năm 2024.
Với sự thay đổi trong danh mục VN30 lần này, VDSC ước tính LPB sẽ được các quỹ mô phỏng chỉ số VN30 mua mới hơn 19,5 triệu đơn vị. Các mã khả năng được mua thêm khác là STB (hơn 3,3 triệu đơn vị), HDB (gần 2,5 triệu đơn vị); MBB, CTG (hơn 1 triệu đơn vị)... Ngược chiều, POW ước tính bị bán ra hơn 3,2 triệu đơn vị. SSB và SHB cũng được dự báo bị bán ra hơn 3 triệu đơn vị mỗi mã; SSI, HPG bị bán ra hơn 2 triệu đơn vị mỗi mã...
Phạm Ngọc
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/vn30-co-them-mot-co-phieu-ngan-hang-37709.html