Màu đỏ bao phủ thị trường phiên 8/11.
Sau phiên tăng 15,5 điểm của ngày 6/11, thị trường chứng khoán quay trở lại với nhịp giao dịch quen thuộc: thiếu thanh khoản, thiếu sức sống. Sang phiên 8/11, dòng tiền tiếp tục khan hiếm khiến cả phiên sáng trượt giảm, giao dịch ảm đạm. Cổ phiếu trụ VN30 sau nhiều phiên gánh đỡ thị trường, có phần hết lực và giảm điểm, đẩy các chỉ số chính đi xuống.
Tạm nghỉ phiên sáng, VN-Index lui về dưới 1.255 điểm, giảm tương ứng 0,4%. Khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,3% về còn 226,81 điểm, với thanh khoản gần 329 tỷ đồng.
Sang phiên chiều, thị trường chứng khoán tiếp tục thế giằng co. Tương tự phiên ngày hôm trước 7/11, bên bán tiếp tục chiếm ưu thế trong bối cảnh dòng tiền còn hạn chế, đẩy các chỉ số chính về sâu dưới tham chiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,19 điểm (-0,57%), về mức 1.252,56 điểm; HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,27%), về mức 226,88 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc đỏ với bên bán với 426 mã giảm và 287 mã tăng.
Sắc đỏ cũng áp đảo hoàn toàn trong rổ VN30 với 24 mã giảm, 4 mã tăng và 2 mã tham chiếu. Bản thân chỉ số này cũng giảm 9,31 điểm, tương đương 0,7% về còn 1.317 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể trong phiên chiều, nâng giá trị giao dịch cả phiên trên sàn HOSE lên 13.911 tỷ đồng, tăng 11,5% so với phiên 7/11 tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 1.161 tỷ đồng, cao gần 3 lần so với phiên trước đó, tập trung tại các mã MSN (132,42 tỷ đồng), VHM (159,65 tỷ đồng), MWG (81 tỷ đồng).
Đà giảm điểm của thị trường có đóng góp không nhỏ của nhóm VN30, khi toàn bộ 10 mã đóng góp tiêu cực nhất cho VN-Index đều tới từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, VIC (-1,6%), CTG (-1,7%), VCB (-1,1%) và VHM (-3,4%) trực tiếp lấy đi 4,248 điểm từ chỉ số chính.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu khác có biên độ giảm hơn 1% có thể kể đến là TCB (-1%), VPB (-1%), VIB (-1,1%), BCM (-1,2%), GVR (-1,3%), MSN (-1,4%). Ở chiều ngược lại, BVH tăng 2,8%, là cổ phiếu duy nhất của nhóm VN30 tăng trên 1%.
Trong phiên giao dịch thiếu cảm hứng, dòng tiền tiếp tục tìm về nhóm cổ phiếu Viettel, đẩy cổ phiếu VGI tăng 7,4% trên sàn UPCOM, VTP và CTR tăng lần lượt 6,5% và 2,4% trên sàn HOSE. Đáng chú ý là trường hợp của VTP, khi cổ phiếu này vừa có phiên tăng trần ngày 7/11.
Cổ phiếu HVN cũng tăng 6,66%, là một trong những điểm sáng hiếm hoi của phiên 8/11. Đây là phiên tăng điểm mạnh thứ 3 trong 4 phiên gần nhất của HVN, đưa thị giá đi từ 21.600 đồng/CP lên 24.800 đồng/CP.
Minh Phong