Những tấm sổ đỏ, vốn là bảo chứng pháp lý quyền sử dụng đất (QSDĐ), đã bị biến tướng thành công cụ lừa đảo, cầm cố, làm giả, mua bán bất minh, dẫn đến những bi kịch kéo dài trong đời sống dân sinh và bộ máy hành chính. Hàng loạt vụ án được khởi tố, xét xử, hay đang trong quá trình điều tra, đều có điểm chung, đó là lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp lý, lòng tin của người dân, và chính cơn khát đất - khởi nguồn từ bong bóng giá ảo.
Hàng loạt vụ án
Đối tượng Trương Thị Mỹ Trang (SN 1985, trú Hải Lăng, Quảng Trị), từng là người môi giới BĐS từ năm 2018, đã chiếm đoạt nhiều lô đất bằng cách thuyết phục người dân làm giấy ủy quyền toàn phần để giúp tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau khi lừa được QSDĐ, Trang chuyển nhượng cho người thân đứng tên, mang đi thế chấp ngân hàng. Khi chủ đất đòi lại giấy tờ, Trang đặt mua sổ đỏ giả qua Telegram để đối phó.
Khu dân cư Trường Chinh nằm sát nách Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Trị (cũ), sau thời điểm sốt đất ảo, đến nay cỏ dại mọc um tùm.
Cùng hành vi làm giả tài liệu, đối tượng Nguyễn Thị Thuận (SN 1990, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) và Trần Văn Hoài (SN 1980, trú Cam Lộ, Quảng Trị), một cặp đôi sống chung không hôn thú, đã thành lập văn phòng “Thuận BDS Land” tại Đông Hà để hành nghề lừa đảo.
Thuận khoe mình có mối quan hệ sâu rộng ở Sở Tài nguyên – Môi trường (TN – MT), báo giá làm sổ đỏ từ 15–60 triệu đồng tùy loại đất. Thuận đặt mua sổ đỏ giả với giá chỉ vài triệu qua mạng, sau đó giao cho các bị hại kèm theo lời hứa sẽ hoàn tất sớm. Có hơn 10 người dân ở Cam Lộ đã trở thành nạn nhân, mất trắng gần 1 tỉ đồng, đổi lại là những tấm bìa đỏ không giá trị pháp lý.
Đối tượng Lê Ngọc Phương (SN 1979, trú khu khố 5, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị; nay là phường Quảng Trị), nguyên viên chức Trung tâm Kỹ thuật TN – MT tỉnh Quảng Trị (cũ), dùng chính quá khứ 20 năm công tác để tạo niềm tin.
Từ năm 2020 đến 2023, Phương tiếp nhận làm hồ sơ đất đai cho người dân rồi chiếm đoạt tiền bằng hàng loạt thủ đoạn quen thuộc, như tạm ứng để nộp thuế, tiếp khách, sắp ra sổ…, nhưng thực chất là tiêu xài cá nhân. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị (cũ) xác định Phương lừa 11 bị hại ở Triệu Phong và Hải Lăng, với tổng số tiền gần 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải đối tượng lừa đảo nào liên quan đến BĐS cũng bị tố cáo, bị điều tra, bắt giữ. Có những kẻ, sau khi gom được số tiền khổng lồ từ lòng tin của người dân, đã biến mất khỏi bản đồ pháp lý.
Như Hoàng Thị Thu Hiền (còn gọi Hoàng Ly Sa), quê Hà Tĩnh, trú tại Đông Hà, được xem là “con chim sắt” của giới đầu cơ đất nền khi một mình lừa 9 người, chiếm đoạt gần 26 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng (5/2023 – 7/2023), rồi cao chạy xa bay. Hiền đánh vào tâm lý đầu tư ăn lời nhanh, ban đầu vẫn chuyển tiền gốc, lãi đúng hẹn, tạo lòng tin. Đến khi mồi nhử đã dày, các nạn nhân bắt đầu rót vốn lớn thì Hiền… biến mất không để lại dấu vết, hiện đang bị truy nã.
Tội phạm đất đai tại Quảng Trị không chỉ xuất hiện theo kiểu tổ chức, mà còn có cả những cá nhân lừa đảo đơn tuyến. Như Đặng Thị Liên (SN 1979, trú thôn An Phước, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ; nay xã Cam Lộ), là đối tượng đã chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng của một phụ nữ ở Hải Lăng nhờ “nổ” có mảnh đất giá hời. Hay Bùi Thị Thiên Hương (SN 1975, trú xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; nay xã Ái Tử, Quảng Trị) đưa ra thông tin sắp có sổ đỏ, nhận 750 triệu đồng rồi mất hút.
Tất cả đều xoay quanh một điểm, đó là niềm tin đặt vào mảnh giấy màu đỏ, với hy vọng biến đất ruộng thành đất ở, mua đất rẻ rồi lời to, làm thủ tục sớm để sang tên… Và kẻ lừa đảo chỉ cần nắm đúng điểm yếu ấy.
Vô vàn hệ lụy
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Khánh Vũ, Bí thư phường Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, trầm ngâm: “Trong cơn lốc sốt đất nền, nhiều làng quê ở Quảng Trị như bị giải phẫu. Đất sản xuất nông nghiệp bị phân lô. Rừng trồng bị san ủi. Đường làng được mở rộng bằng nguồn tự đóng góp của người dân, với mục đích duy nhất là cho đẹp, cho dễ bán đất. Ở một số xã trên địa bàn tỉnh, không ít người dân chặt sạch rặng tre đầu làng để chia lô. Hệ sinh thái nông thôn bị phá vỡ. Các căn biệt thự mini mọc lên trên những mảnh đất từng là vườn sắn, vườn lạc, rồi bị bỏ hoang vì không có người về ở”.
Nhiều diện tích đất bị bỏ hoang ở tuyến đường Hoàng Trung Thông, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Sự rút lui ồ ạt của giới đầu cơ đã đẩy hàng nghìn lô đất vào cảnh đắp chiếu. Tại một số KDC được vẽ vời trước đây nay thuộc các xã như Ái Tử, Triệu Phong, Cam Lộ, Lao Bảo, phường Quảng Trị…, với hàng trăm nền đất chỉ có trên bản vẽ, không có hệ thống điện, nước, không người ở. Nhiều nơi, đất bán qua tay 3–5 người, nhưng không có giấy tờ hợp pháp.
Anh Trần Quang D., một người dân xã Triệu Phong, kể: “Gia đình tôi bán ruộng, vay ngân hàng để mua một lô đất gần cầu Đại Lộc, nghe nói chuẩn bị làm đường lớn nên tăng giá mạnh. Nhưng hai năm rồi, đường không thấy, dân không ai dám xây nhà vì pháp lý không rõ. Ngân hàng đòi, mà đất bán không được”.
Không ít hộ gia đình, sau khi đổ toàn bộ tiền tiết kiệm vào đất, lâm vào cảnh vỡ nợ. Những tháng cao điểm, chính quyền địa phương tiếp nhận hàng chục đơn khiếu nại liên quan đến đất nền, từ việc bị lừa, bị trễ sổ, đến tranh chấp giữa các bên mua bán không qua công chứng. “Có những ngày, tiếp dân chỉ toàn chuyện đất cát. Tranh cãi, đổ lỗi, mất niềm tin, đó là hậu quả nhãn tiền”, một cán bộ UBND xã Hải Lệ trước đây (nay thuộc phường Quảng Trị) chia sẻ.
Tại xã Lìa, vốn là vùng núi giáp biên, đất rừng phòng hộ cũng bị lấn chiếm, sang tên, chuyển nhượng chui cho các nhóm cò đất từ nơi khác đổ về. Không ít người Pa Cô, Vân Kiều bị dụ dỗ bán đất rẻ như cho, rồi quay lại làm thuê chính trên mảnh đất tổ tiên mình từng gìn giữ. Những bản làng vốn thanh bình, lúc bấy giờ bỗng trở nên nhộn nhạo bởi người lạ ra vào, bởi những xe bán tải gắn chữ BĐS XYZ, bởi tiếng loa rao mua bán đất vang rền cả buổi trưa. Sự bình yên vốn có của nông thôn Quảng Trị dường như bị xé nát bởi những tấm pano ghi giá 5m x 20m, “pháp lý sạch”, “sổ hồng trao tay”…
Dư chấn lớn nhất của cơn sốt đất không chỉ là tài chính, mà còn là sự bất ổn về mặt pháp lý, xã hội. Một số cán bộ địa phương bị khiển trách, kiểm điểm vì buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái phép, hoặc không giám sát hoạt động chuyển nhượng trên địa bàn.
Năm 2023, Báo CAND từng đăng tải các bài viết về tình trạng này xảy ra trên địa bàn huyện Hướng Hóa (cũ). Qua đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị (cũ) đã vào cuộc điều tra, làm rõ; đến ngày 25/6/2025, đã khởi tố tổng cộng 6 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, trong đó có bị can nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện này, phụ trách lĩnh vực đất đai.
Trước đó, trong nửa đầu tháng 4/2021, Báo CAND đã có 2 bài điều tra liên tiếp, phanh phui các vụ phân lô, bán nền trái phép núp bóng dự án dân cư tại thị xã Quảng Trị và huyện Cam Lộ (cũ) – những tín hiệu cảnh báo sớm về cơn sốt đất ảo đang manh nha hình thành.
Cụ thể, ngày 10/4/2021, PV ghi nhận tại thôn Tân Phước, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (cũ), nơi Công ty CP Bất động sản Quang Group ngang nhiên rao bán 54 lô đất với lời quảng cáo “view hồ sinh thái”, “quy hoạch nghỉ dưỡng”, giá từ 148 triệu đồng/lô. Trên thực tế, toàn bộ khu đất có diện tích hơn 8.100m², chỉ có 200m² là đất ở nông thôn, phần còn lại là đất trồng cây lâu năm, vốn không được phép phân lô, tách nền xây dựng nhà ở.
Sau nhiều lần chuyển nhượng bằng giấy tay, đến năm 2019, khu đất này được đứng tên bởi ông Phan Mạnh Cường, rồi chuyển tiếp cho ông Trần Nhật Quang và bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (thuộc Quang Group). Đến tháng 3/2020, ông Quang làm đơn “hiến” 1.375m² đất trồng cây lâu năm để mở đường đi chung, thực chất là hạ tầng nội bộ phục vụ cho việc phân nền, bán đất trái phép.
Chưa đầy 10 ngày sau, ngày 19/4/2021, Báo CAND tiếp tục đăng tải bài điều tra khác, lần này tại làng Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, nơi Công ty Quang Group lại xuất hiện, rao bán 18 lô đất mang danh “Dự án KDC Bắc sông Hiếu, view sông, sổ hồng từng lô, hạ tầng chuẩn KDC”. Quan sát thực địa, PV ghi nhận chỉ có hai nhánh đường bê tông nhỏ, mỗi nhánh dài khoảng 70m, rộng 2,5m, đấu nối tạm bợ, cắm trụ sắt hàn chuôi đèn sơ sài… từ Phòng TN – MT huyện Cam Lộ rằng, “không nằm trong diện sụt lún”(!?).
Đáng nói, cả 2 vụ việc trên đều có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, song sau khi Báo phản ánh, chỉ có Trưởng phòng TN – MT huyện Cam Lộ bị xử lý kỷ luật, còn lãnh đạo, cán bộ chức năng thị xã Quảng Trị vẫn… bình yên vô sự(!).
Ông Lê Đức Minh, Chánh án TAND sơ thẩm khu vực 8, tỉnh Quảng Trị cho hay, trước đây, mỗi tháng chỉ vài vụ kiện liên quan đến đất đai, giờ có tháng lên tới hơn 20 vụ. Người dân không nắm pháp lý, ký tay, lật kèo… đủ kiểu. Cùng với đó, sự xuất hiện của các băng nhóm xã hội đen, “thu hồi nợ thuê”, ép bán đất, thậm chí hành hung người mua bán gian dối cũng khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp.
“Ở Quảng Trị, hiện cò đất có thể đã hết thời, nhưng hệ lụy mà họ để lại chưa biết đến bao giờ mới dọn dẹp hết được”, ông Minh nói với giọng đầy trăn trở.
Thanh Bình