Câu chuyện về vợ chồng anh Nguyễn Mậu Thành (SN 1980), trú tại phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), là minh chứng sống động cho nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để khẳng định giá trị bản thân. Họ còn có một tình yêu đẹp, mang lại một gia đình hạnh phúc được nhiều người ngưỡng mộ.
"Tôi tàn nhưng không phế"
Tỉ mẩn với từng đường nét khảm trai trên gỗ, anh Thành vừa làm vừa hồi tưởng về quá khứ. Anh kể, mình sinh ra trong một gia đình đông con, khó khăn chồng chất khiến cha mẹ dù làm lụng vất vả cũng không thể dư dả. Bi kịch ập đến khi anh mới 5 tuổi, căn bệnh bại liệt khiến cơ thể dần suy kiệt, đôi chân teo tóp, và mọi giấc mơ thơ trẻ dường như vụt tắt.
Anh Nguyễn Mậu Thành và sản phẩm mỹ nghệ của mình làm ra.
Khi trưởng thành, anh Thành mang trong mình mặc cảm của một người khuyết tật sống trong cảnh nghèo khó. Nhưng chính những trang sách đã thắp lên trong cậu bé ngày ấy một nghị lực phi thường. Thành tin rằng, tri thức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của đôi chân và sức khỏe ngày một hao mòn. Vì vậy, cậu học trò nhỏ luôn nỗ lực hết mình, vượt lên mọi khó khăn vì cơ thể tật nguyền, gia cảnh cơ cực... để được đến trường.
"Khi biết mình khuyết tật, tôi nghĩ phải cố học để dùng tri thức bù đắp cho những thiếu sót. Dù nhà nghèo, cơ thể không lành lặn, nhưng tôi quyết tâm không để thua bạn bè về ý chí học tập", anh Thành chia sẻ.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thành quyết định vào Đà Nẵng ôn thi đại học. Biết anh bị khuyết tật và gia cảnh nghèo khó, nhiều người khuyên anh không nên tự làm khó bản thân. Bỏ ngoài tai những lời làm nhụt chí, anh vẫn kiên trì thử sức. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Bách khoa Đà Nẵng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì nỗi buồn đã ập đến. Số phận như trêu ngươi, lấy đi của anh nhiều thứ, nay lại buộc anh phải từ bỏ ước mơ giảng đường vì gánh nặng gia đình quá lớn.
Lỡ giấc mơ đại học, anh Thành khẳng định giá trị bản thân với nghề mộc và khảm trai.
Không chấp nhận buông xuôi trước nghịch cảnh, cuối năm 2002, anh Thành quyết định tìm hướng đi mới cho cuộc đời bằng cách xin học việc tại một xưởng khảm trai. Những ngày đầu vào nghề là chuỗi thử thách đầy gian nan, khi công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và tiêu tốn không ít sức lực.
"Ngày xưa chưa có nhiều máy móc hỗ trợ, mọi thứ đều làm thủ công. Người bình thường đã vất vả, huống gì là tôi – một người khuyết tật. Nhưng tôi quyết không từ bỏ, vì khó khăn lắm mới tìm được công việc phù hợp với mình. Tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt thương hại từ người khác" anh Thành chia sẻ.
Được người thầy có tâm truyền nghề, anh Thành sớm thạo việc và có nhiều sản phẩm chất lượng.
Sau thời gian học việc, anh Thành không ngừng trau dồi kỹ năng, dần dần tạo ra những sản phẩm khảm trai tinh xảo, được khách hàng đánh giá cao.
Chuyện tình đẹp của những người đồng cảnh ngộ
Không chỉ mang lại cho anh một tay nghề vững vàng, xưởng khảm trai còn là nơi khởi đầu cho một chuyện tình đẹp. Năm 2010, chính tại đây, anh Thành gặp chị Phạm Thị Bé (SN 1985, quê ở Hà Nội) – người phụ nữ đã trở thành bạn đời, đồng hành cùng anh vượt qua mọi khó khăn.
Chị Phạm Thị Bé, vợ anh Thành.
Chị Phạm Thị Bé kể rằng, ngay từ nhỏ, chị đã không may mắn như bạn bè đồng trang lứa khi đôi chân không lành lặn. Sinh ra trong gia cảnh khó khăn, chị sớm phải bươn chải lo toan cuộc sống. Năm 12 tuổi, chị bắt đầu học nghề khảm trai, rồi những ngày tháng rong ruổi theo nhóm thợ đi khắp các tỉnh thành để thi công các sản phẩm đã trở thành một phần tuổi trẻ của chị.
Cơ duyên đưa chị đến Quảng Bình, nơi chị gặp anh Thành. Cùng cảnh ngộ, cả hai dần tìm hiểu và đồng cảm sâu sắc với nhau. Quyết định tiến tới hôn nhân, họ không tránh khỏi những ánh mắt lo lắng cho tương lai.
'Khi biết chúng tôi đến với nhau, gia đình hai bên đều ủng hộ nhưng cũng không giấu được sự lo lắng, bởi cả hai đều là người khuyết tật. Nhưng vượt qua tất cả, chúng tôi chọn gắn bó với nhau bằng tình yêu chân thành và sự đồng cảm', chị Bé xúc động chia sẻ.
Từ những miếng vỏ trai vô tri, vợ chồng anh Thành tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.
Sau khi kết hôn, vợ chồng anh xin ra làm riêng, thấy sự trưởng thành của người học trò, chủ xưởng vui mừng đồng ý. Từ đó, ngày ngày vợ chồng anh Thành cần mẫn với công việc khảm trai của mình. Nhiều sản phẩm chất lượng của vợ chồng anh được đưa ra thị trường.
Theo anh Thành, khảm trai là công việc đòi hỏi người làm phải khéo tay, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết mới có thể tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Công việc được vợ chồng anh Thành chia nhau làm theo từng công đoạn.
Theo anh Thành, khảm trai là công việc đòi hỏi người làm phải khéo tay, sáng tạo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết.
Sau khi nhận đơn hàng, anh Thành đảm nhận việc lên ý tưởng, vẽ mẫu trên giấy, rồi đánh giá và chọn ra những thiết kế phù hợp nhất để thực hiện. Công đoạn quan trọng nhất là cưa trai, dán vào gỗ – bước đầu tiên để tạo nên một tác phẩm. Sau đó, anh và chị Bé tiến hành đục gỗ, gắn trai, mài khảm và sử dụng bột đen để làm nổi bật các họa tiết. "Mỗi bộ tranh tứ quý, cả hai vợ chồng phải làm liên tục khoảng 5 ngày mới hoàn thành, nhưng tiền vốn nguyên liệu và công làm chỉ khoảng 2 triệu đồng", chị Bé chia sẻ.
Nhờ vào sự tỉ mỉ và chất lượng của sản phẩm, vợ chồng anh Thành đã có được sự tin tưởng từ nhiều khách hàng, giúp họ duy trì việc làm thường xuyên và ổn định nguồn thu nhập.
Kết quả của mối tình đẹp là tổ ấm với hai người con, một trai, một gái. Trải qua 15 năm "đồng cam cộng khổ", anh Thành và chị Bé không chỉ xây dựng được một mái ấm gia đình hạnh phúc mà còn hoàn thành mơ ước có một ngôi nhà kiên cố để che nắng mưa.
Những sản phẩm đẹp mắt cho nguồn thu nhập để anh Thành phát triển kinh tế gia đình.
"Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn khi nợ ngân hàng chưa trả hết và đứa con trai sau bị hạn chế về nhận thức. Vợ chồng tôi vẫn bảo ban nhau phải cố gắng vượt qua tất cả, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", anh Thành chia sẻ.
Đan Thanh