Anh Minh (45 tuổi) và chị Lan (30 tuổi), một cặp vợ chồng sống tại Hà Nội đã kết hôn được gần 5 năm. Dù công việc bận rộn nhưng họ luôn cố gắng dành thời gian cho nhau. 1 tháng trở lại đây, qua lời giới thiệu của một người bạn, họ bắt đầu chơi pickleball tại một câu lạc bộ gần cơ quan.
Hai vợ chồng nhanh chóng đầu tư mua vợt, giày chuyên dụng và tham gia một nhóm chơi gồm các cặp đôi khác. Những buổi đầu, cả hai thường xuyên chơi đôi cùng nhau, phối hợp khá ăn ý. Anh Minh có sức bền và phản xạ tốt trong khi chị Lan lại khéo léo trong các pha đánh kỹ thuật. Họ thường xuyên giành chiến thắng trong các trận đấu giao lưu khiến cả hai càng thêm yêu thích môn thể thao này.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi tần suất chơi pickleball tăng lên. Tính cạnh tranh dần len lỏi vào từng trận đấu và những bất đồng nhỏ bắt đầu xuất hiện. Anh Minh vốn có tính cách quyết đoán thường xuyên phàn nàn khi chị Lan đánh hỏng hoặc không chạy kịp để cứu bóng.
“Em đứng sai vị trí rồi! Phải di chuyển nhanh hơn chứ!” – những câu nói như vậy trở thành “điệp khúc” sau mỗi trận đấu. Chị Lan dù ban đầu cố gắng bỏ qua, dần cảm thấy bị tổn thương vì thái độ của chồng.
“Tôi chơi vì vui nhưng anh ấy cứ làm như tôi là vận động viên chuyên nghiệp. Cảm giác như mình bị áp lực thay vì được thư giãn”, chị Lan tâm sự.
Ảnh minh họa
Căng thẳng không chỉ dừng lại trên sân. Một lần, trong một trận đấu đôi đang gay cấn, anh Minh lớn tiếng trách chị Lan ngay trước mặt các thành viên khác vì một pha đánh lỗi. Chị Lan chỉ im lặng nhưng trong lòng rất khó chịu. Sau trận đấu, họ cãi nhau trên đường về nhà. Chị Lan cho rằng anh Minh thiếu tôn trọng mình, trong khi anh Minh lại nghĩ chị quá nhạy cảm và không chịu cải thiện kỹ năng.
Mâu thuẫn này kéo dài qua nhiều ngày. Họ bắt đầu ít chơi cùng nhau hơn, thay vào đó là tìm đối tác khác trong câu lạc bộ. Điều này vô tình tạo khoảng cách giữa hai người. Chị Lan cảm thấy bị bỏ rơi, còn anh Minh lại nghĩ vợ mình không đủ nhiệt huyết với môn thể thao mà cả hai từng yêu thích. Những buổi tối sau giờ làm thay vì trò chuyện vui vẻ như trước, họ thường im lặng hoặc chỉ nói vài câu qua loa. Pickleball từ một hoạt động gắn kết giờ đây lại trở thành nguồn cơn của sự xa cách.
Câu chuyện của anh Minh và chị Lan không phải hiếm. Nhiều cặp vợ chồng khi cùng chơi thể thao, đặc biệt là các môn mang tính cạnh tranh như pickleball, dễ rơi vào tình huống tương tự.
Khi hai người chơi cùng nhau, kỳ vọng và áp lực vô hình có thể xuất hiện, đặc biệt nếu một trong hai người có tính cách cầu toàn hoặc quá coi trọng kết quả.
Câu chuyện của anh Minh và chị Lan là bài học cho nhiều cặp vợ chồng đang cùng chơi pickleball hoặc bất kỳ môn thể thao nào khác.
Vợ chồng cùng chơi pickleball thế nào để không mâu thuẫn?
Cùng nhau vận động là một cách tuyệt vời để gắn kết tình cảm nhưng nếu không tinh tế, những phút giây vui vẻ trên sân có thể nhanh chóng trở thành mồi lửa cho mâu thuẫn. Vậy vợ chồng nên chơi thể thao cùng nhau thế nào để giữ được tinh thần đồng đội, thay vì trở thành “đối thủ ngầm”?
Vợ chồng cùng chơi pickleball nên kiên nhẫn hiểu nhau và chấp nhận sự khác biệt
Cùng thống nhất mục tiêu chơi để vui, không phải để thắng
Thay vì đặt nặng chuyện thắng – thua, hãy nhắc nhau rằng điều quan trọng nhất là có thêm thời gian chất lượng bên nhau. Một trận đấu đẹp không phải là trận không có lỗi mà là trận có tiếng cười, sự hỗ trợ và cái nắm tay sau mỗi pha bóng hỏng.
Giao tiếp tử tế
Đừng biến những lỗi nhỏ thành lý do để trách móc. Thay vì buông lời chê trách kiểu “Em đứng sai rồi đấy!”, hãy thử nói “Không sao đâu, mình chỉnh lại một chút nhé!”. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp đối phương cảm thấy được thấu hiểu và tôn trọng hơn là cảm giác bị “dạy bảo”.
Hiểu và chấp nhận sự khác biệt
Có thể bạn học nhanh còn bạn đời của bạn cần thêm thời gian. Có thể bạn thích đánh mạnh mẽ, còn người kia thiên về lối chơi kỹ thuật. Thay vì bắt ép nhau phải giống mình, hãy học cách bổ sung cho nhau. Sự khác biệt không phải là trở ngại mà là cơ hội để phối hợp ăn ý hơn.
Biết lúc tách ra để giữ hòa khí
Không phải lúc nào cũng cần chơi cùng một đội. Thi thoảng đổi cặp, chơi với người khác hay tham gia hoạt động nhóm là cách hiệu quả để làm mới trải nghiệm và “giảm nhiệt” những kỳ vọng không nói thành lời.
Giữ giới hạn, để thể thao ở lại trên sân
Dù có bực mình vì một pha đánh hỏng hay một trận thua đáng tiếc, hãy để mọi cảm xúc ấy dừng lại khi rời khỏi sân. Đừng mang sự khó chịu từ trận đấu về bàn ăn hay giường ngủ.
Với sức hút của mình, pickleball có thể là cầu nối tuyệt vời để các cặp vợ chồng gắn bó và chia sẻ niềm vui. Tuy nhiên không biết cách cân bằng giữa tinh thần thể thao và tình cảm, môn thể thao này có thể vô tình gây ra những vết rạn nứt. Điều quan trọng là cả hai phải cùng nhau học cách biến những khoảnh khắc trên sân thành kỷ niệm đẹp thay vì để chúng trở thành nguồn cơn tranh cãi.
T. Linh