Họ bước vào tuổi hưu không với tâm thế nghỉ ngơi, mà là tái sinh - sống vui, sống khỏe, sống nhiều hơn cả những năm tháng còn bận rộn mưu sinh.
Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2025 tại Hà Nội ghi nhận vai trò nòng cốt của các cặp vợ chồng cao tuổi trong số 80 gia đình được vinh danh
Khoảng thời gian tái khám phá bạn đời
Sau hàng chục năm gồng gánh cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng chỉ còn gắn bó với nhau qua nghĩa vụ: Nuôi con, kiếm tiền, lo toan nhà cửa. Công việc bận rộn cuốn họ vào những vòng quay không dứt, sáng đi làm, tối về nấu nướng, dọn dẹp, nhiều khi mang cả việc cơ quan về nhà hoặc mải tám chuyện với đồng nghiệp, bạn bè, ít ai dừng lại để nhìn vào khoảng trống đang lớn dần giữa hai người. Mãi đến khi chiếc “đồng hồ hưu trí” điểm chuông, họ mới có thời gian lắng lại và nhận ra có quá nhiều điều chưa từng sẻ chia cùng nhau.
Bà L.H (65 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày nghỉ hưu, vợ chồng tôi lại có thời gian uống trà chiều, nghe nhạc xưa, đi dạo bộ công viên. Cuộc sống vui vẻ, khác hẳn với cảnh xưa chúng tôi thường hay cãi vã căng thẳng chỉ vì quá bận rộn với công việc trong gia đình và ngoài xã hội”.
Những người xung quanh không khỏi ngưỡng mộ tổ ấm của bà, từ ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp dành cho nhau, cho đến những cái nắm tay nhẹ nhàng trong các bức ảnh chụp chung với con cháu, bạn bè và cả trong những chuyến du lịch riêng đầy ắp kỷ niệm.
Tương tự, bà T. từng quen với việc chồng, một người đàn ông thành đạt, thường xuyên vắng mặt trong bữa cơm gia đình vì công việc bận rộn. Nhưng rồi, một ngày, ông về hưu.
Không phải là sự hụt hẫng như bà lo sợ, mà là một khởi đầu đầy bất ngờ: “Vợ chồng mình sẽ đi du lịch cùng gia đình anh Hùng nhé”, ông hào hứng nói. Hai ông bạn già cùng nhau nghỉ hưu, cùng nhau lên kế hoạch xuyên Việt suốt một tháng, trải nghiệm và tận hưởng tự do đích thực sau bao năm lăn lộn.
“Tôi cứ nghĩ ông ấy sẽ buồn vì mất đi vị trí, không còn họp hành, không còn quyền lực... Vậy mà giờ, ông ấy trở thành một người chồng mẫu mực, đi chợ cùng vợ, nấu ăn, đưa cháu đi học, đọc sách... Đúng là khoảng thời gian đẹp nhất trong hôn nhân của chúng tôi”, bà T. hạnh phúc chia sẻ.
Trên thực tế, một làn sóng mới đang dần hình thành, nghỉ hưu không phải là chấm hết, mà là cánh cửa mở ra chương mới. Như ông C. và bà L., họ gửi toàn bộ khoản hỗ trợ nghỉ hưu sớm vào tiết kiệm sinh lời, bổ sung thu nhập cho lương hưu. Rảnh rỗi không đồng nghĩa với nhàm chán, họ xây dựng kế hoạch tập thể dục mỗi sáng, về quê thăm bà con họ hàng, bạn bè cũ, tham gia hoạt động văn nghệ ở hội người cao tuổi…
“Chúng tôi cùng rời khỏi guồng quay công việc, cùng ở nhà, cùng đối diện với những thay đổi về tâm lý, kinh tế, lối sống. Nhưng nhờ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và biết thích nghi, chúng tôi đã tìm ra chìa khóa của sự sẻ chia để đồng hành. Chính lúc này là thời điểm vợ chồng tìm lại nhau, yêu thương nhau đúng nghĩa hơn”, bà L. khẳng định.
Tăng cường cơ hội gắn kết
Chia sẻ với Văn Hóa, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định: “Trong nền văn hóa Việt, người cao tuổi từng được xem là “lùi về sau”, sống vì con cháu. Nhưng ngày nay, tư duy ấy đang dần thay đổi. Người lớn tuổi hoàn toàn có quyền sống vui, sống khỏe, sống có ích, và quan trọng là sống hạnh phúc bên bạn đời. Nhiều cặp vợ chồng sau khi nghỉ hưu đã trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ: Tuổi tác không làm tình yêu phai nhạt, không làm ước mơ biến mất, trái lại, đây chính là giai đoạn của một tình yêu sâu lắng, trưởng thành và đậm chất nhân văn”.
Nghỉ hưu, với nhiều người, không phải là dừng lại, mà là “về lại bên nhau” sau bao năm bộn bề cơm áo. Khi hai người biết tận dụng quãng thời gian quý giá này để lắng nghe, sẻ chia, chăm sóc lẫn nhau, thì không chỉ giữ gìn được hạnh phúc, mà còn vun đắp thêm sự viên mãn về tinh thần và cả sức khỏe. Hạnh phúc tuổi già không nằm ở chỗ không có sóng gió, mà nằm ở việc vẫn có một người nắm tay mình đi qua mọi sóng gió của cuộc đời.
Trong cấu trúc gia đình Việt Nam, vai trò của cha mẹ, ông bà không chỉ dừng lại ở sự gắn bó máu mủ, mà còn là trụ cột về nếp sống, lối nghĩ. Khi vợ chồng già sống an yên, tôn trọng và yêu thương nhau, chính là lúc họ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một nền tảng vững vàng cho các thế hệ tiếp nối. Tình yêu và sự hòa hợp của họ trở thành điểm tựa tinh thần, tạo nên bầu không khí ấm áp cho cả gia đình.
Vì vậy, việc duy trì hạnh phúc vợ chồng sau khi nghỉ hưu không phải là câu chuyện riêng tư của hai người, mà đó là hạt nhân nuôi dưỡng một đại gia đình hài hòa và lành mạnh - nơi giá trị truyền thống được giữ gìn, nơi tình cảm được bồi đắp theo năm tháng, và nơi văn hóa gia đình được truyền trao qua từng thế hệ.
THÚY HIỀN