Cả tôi và vợ đều là người Việt Nam nhưng do vợ tôi rất thích phim nước ngoài nên muốn đặt tên cho con mình bằng tiếng Hàn.
Xin hỏi, đặt tên con bằng tiếng nước ngoài không?
Bạn đọc Trần Văn Thanh (TP.HCM)
Việc đặt tên cho con phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: HUỲNH THƠ
Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM: Căn cứ Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định.
Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015 và hướng dẫn sau:
Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về họ, dân tộc, quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì họ, dân tộc, quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Ví dụ, trường hợp của anh/chị không đặt tên như Trần Bo-gum được vì tên của con phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam.
HUỲNH THƠ