Tết đối với tôi luôn là một dịp thiêng liêng để đại gia đình sum họp, vì thế cần phải về quê để gặp người thân, tận hưởng không khí đoàn viên bên ông bà, cha mẹ. Xa con cháu cả năm, bố mẹ tôi luôn mong đến Tết để tôi đưa vợ con về cùng làm mâm cơm tất niên, cùng chuẩn bị cỗ cúng giao thừa hay đón năm mới bên nhau trong không khí đầm ấm.
Tôi biết bố mẹ rất trân quý những trải nghiệm đó nên dù có bận rộn và túng thiếu thế nào, tôi vẫn luôn luôn cố gắng về quê ăn Tết, cố về sớm để chăm sóc, phụ giúp các cụ. Nhưng năm nay, khi tôi vừa mở miệng nói với vợ về kế hoạch thì cô ấy đã chặn lại: "Tết này không về quê nữa, chúng ta đi du lịch để có thời gian thực sự thư giãn, nghỉ ngơi."
(Hình minh họa)
Vợ tôi bảo, cả năm mệt mỏi với công việc, Tết là dịp hiếm hoi trong năm mà gia đình có đủ thời gian đi du lịch, thư giãn và tận hưởng không khí vui vẻ, mới mẻ. Cô ấy muốn đưa con cái đi khám phá một địa điểm mới, thay vì cứ mãi về quê, lặp đi lặp lại những lễ nghi mà cô ấy thấy là gò bó, suốt ngày nấu nướng, cỗ bàn, mệt chết người mà vẫn cứ phải cười tươi như hoa, tỏ ra mình vẫn vui vẻ, hạnh phúc.
Mặc dù hiểu mong muốn đó và cũng mong vợ con có những trải nghiệm thú vị nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng khó xử khi nghĩ đến bố mẹ. Mỗi năm, tôi đều nhìn thấy sự háo hức trong ánh mắt của ông bà khi đón Tết. Khi nghe tin chúng tôi về, các cụ luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ để chúng tôi có thể tận hưởng không khí sum vầy.
Các cụ đã già rồi, sức khỏe không còn như xưa, và Tết là một trong những cơ hội hiếm hoi để cả gia đình tụ họp, để ông bà có thể nhìn thấy các cháu, chứng kiến sự trưởng thành của chúng. Thế mà năm nay, tôi lại không thể làm tròn trách nhiệm với gia đình.
Tôi cố gắng thuyết phục vợ rằng Tết là dịp quan trọng để chúng ta về quê, thăm ông bà, để con cái hiểu về nguồn cội, về gia đình hai bên, nhưng vợ tôi vẫn kiên quyết: “Em cũng hiểu, nhưng không thể cứ mãi như vậy. Chúng ta cũng cần có những kỷ niệm riêng với gia đình nhỏ của mình".
Trước sự quyết tâm của vợ, tôi không thể ép buộc. Tôi hiểu, gia đình nhỏ của tôi cũng cần những khoảng thời gian bên nhau, những kỷ niệm riêng biệt. Tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn cảm thấy không nỡ, khi nghĩ đến ông bà sẽ phải đón Tết một mình, không có các con cháu bên cạnh.
Thật khó để giải quyết mâu thuẫn giữa mong muốn đoàn viên của bố mẹ và nguyện vọng có kỳ nghỉ Tết khác biệt, mới mẻ, hoàn toàn thư giãn của vợ tôi. Giữa việc đáp ứng nhu cầu của gia đình nhỏ và làm tròn trách nhiệm với gia đình lớn, tôi không biết phải chọn thế nào cho đúng.
Tôi cố gắng thương lượng với vợ thêm lần nữa, bảo hay là cứ đi du lịch nhưng đi ngắn ngày thôi, sau đó vẫn dành thời gian về quê nội mừng tuổi ông bà. Cô ấy lạnh mặt bảo đã mua tour trọn gói rồi, số tiền đã bỏ ra bằng bốn năm tháng lương, vì thế tôi đừng có bàn lùi nữa.
Cuối cùng, tôi đưa ra một giải pháp thỏa hiệp là vợ con cứ đi du lịch, tôi sẽ đưa thêm tiền để mấy mẹ con vui chơi, mua sắm thoải mái, còn tôi sẽ về quê ăn Tết với bố mẹ, vẹn cả đôi đường.
Không ngờ vợ nổi giận, bảo rằng không có chồng thì còn là chuyến du lịch gia đình nữa không. "Anh để người ta nghĩ chúng tôi là vợ góa con côi à?", cô ấy nói chua cay. Nhìn ánh mắt vợ, tôi cảm thấy như cô ấy coi việc để mấy mẹ con đi du lịch với nhau là một tội ác tày trời, là biểu hiện không đáng mặt làm chồng, làm cha vậy.
Nhưng nếu tôi bỏ rơi bố mẹ dịp Tết, tôi cũng có tội, bố mẹ già rồi sẽ khó mà chịu đựng nỗi buồn bã, thất vọng. Vì vậy tôi chưa hề dám nói với các cụ về ý định của vợ cũng như nỗi khó xử của mình. Tôi phải làm sao đây?
Quang Sơn