Cán bộ xã Lâu Thượng (Võ Nhai) tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa Đông.
Những năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Trần Thị Mai (dân tộc Mông, ở xóm Là Dương, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) là từ chăn nuôi bò sinh sản. Mỗi năm, chị bán được 1-2 con bê, thu về khoảng 20-30 triệu đồng. Hiện nay, trong chuồng của gia đình có 5 con bò nái sinh sản và 1 con bê 4 tháng tuổi.
Để bảo vệ đàn bò, ngay từ tháng 11 vừa qua, gia đình chị Mai đã chú trọng gia cố chuồng trại, chuẩn bị bạt, tấm tôn để che chắn khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Chị Mai cho biết: Sau khi bà con trong xóm thu hoạch lúa mùa, tôi đã thu gom rơm và lên rừng cắt cỏ về phơi khô làm thức ăn cho bò trong mùa Đông; đồng thời dự trữ thêm lõi ngô, củi để đốt sưởi ấm cho bò khi cần thiết...
Không chỉ gia đình chị Mai mà đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít hộ vẫn để chuồng trại khá sơ sài, có thói quen thả rông gia súc vào rừng và tâm lý chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ đàn vật nuôi khi xảy ra rét đậm, rét hại. Chính vì vậy, các xã, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Xã Thần Sa có tổng đàn gia súc trên 2.000 con, đàn gà trên 11.000 con. UBND xã đã sớm chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, cho biết: Trước khi bước vào mùa Đông, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã đã phối hợp với các xóm kiểm tra, rà soát những hộ có chuồng trại chưa kiên cố để vận động bà con sử dụng vật liệu sẵn có để che chắn, gia cố lại. Trước mỗi đợt rét đậm, rét hại, chúng tôi đều phát các bản tin cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh để bà con biết và chủ động biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Hiện nay, huyện Võ Nhai có 11.200 con trâu, bò; trên 37.000 con lợn và trên 905.000 gia cầm. Trong những năm qua, chăn nuôi đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện.
Chính vì vậy, công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được huyện quan tâm. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên phối với các địa phương rà soát, triển khai công tác tiêm phòng cho vật nuôi và đảm bảo 100% gia súc, gia cầm được tiêm một số loại vắc-xin cần thiết. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi trong mùa Đông.
Với việc chủ động thực hiện sớm các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân, nên nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Võ Nhai không xảy ra tình trạng vật nuôi chết do giá rét, góp phần duy trì và phát triển chăn nuôi ổn định.
Để ứng phó với rét đậm, rét hại, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi: Chủ động theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời có biện pháp ứng phó hiệu quả; sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị sẵn bạt và các vật dụng khác để che chắn khi nhiệt độ giảm sâu; luôn đảm bảo nền chuồng khô ráo, sạch sẽ; sử dụng trấu, mùn cưa, củi để đốt sưởi cho vật nuôi; chủ động tích trữ thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp…
Vũ Công