Niềm vui, niềm tự hào đó vỡ òa trong cảm xúc của mọi người, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia trận chiến, phải hy sinh một phần thân thể, phải tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc. Vui cùng niềm vui chung của dân tộc, của đất nước nhưng cũng thật bùi ngùi cảm xúc.
Bác Nguyễn Tài Triệu.
50 năm trước, người cựu binh Nguyễn Tài Triệu khi đó mới 26 nhưng đã là thương binh với 1 vết thương ở đầu và một chân gửi lại chiến trường Tuy Hòa, Phú Yên. 18 tuổi bị thương, trở thành tù nhân, sau đó ông trở về công tác tại Bộ Lao động thương binh Xã hội. Ngày 30/4/1975, cũng như bao ngày khác, ông đang miệt mài bên tập hồ sơ liệt sỹ của đồng đội thì bỗng vỡ òa trong cảm xúc khi nghe tin chiến thắng. Vui cùng niềm vui ngày đại thắng nhưng trong ông lại dậy lên nỗi niềm day dứt khôn nguôi:
“Lúc đó tôi đang làm việc ở Bộ Thương Binh, ở tầng 3 ở Đinh Lễ. Tôi nghe thấy ầm ầm ở ngoài đường, chúng tôi nhìn từ cửa sổ của phòng làm việc nhìn ra, thì thấy tất cả đồng bào chúng ta đổ ra đường, trong đó có những khách quốc tế. Họ đổ ra đường họ hô, họ tung cờ, ca hát chào mừng ngày giải phóng. Lúc ấy chúng tôi mới vỡ òa: thế là chúng ta được giải phóng thực sự rồi. Đất nước chúng ta đã hoàn toàn được độc lập. Việc nghĩ đầu tiên là: đằng sau tôi là một loạt hồ sơ liệt sỹ, các đồng chí đó, các anh em đó không được hưởng ngày vui trọn vẹn như chúng tôi. Khi tôi đi nhập ngũ, ngõ nhỏ, phố nhỏ của tôi có 6 người ra trận, ngày vui thống nhất chỉ còn duy nhất mình tôi. Còn 6 anh cùng nhập ngũ một ngày, cùng ở cùng đơn vị không ai còn cả.”
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái.
Năm nay đã 87 tuổi nhưng Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, người được phân công giới thiệu lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh trưa 30/4/1975 trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn vẫn không thể nào quên những phút giây đã ghi vào lịch sử của thời điểm này cách đây 50 năm về trước.
“10 giờ tôi đã có mặt ở Dinh Độc Lập rồi, sau là xe tăng vào, tôi lại dẫn ông Thận lên cắm cờ. Rồi sau đó là mình ra Đài phát thanh tôi giới thiệu lời đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Đêm đó là đêm đầu tiên không nghe tiếng súng. Lần đầu tiên có cảnh thanh bình, không có máy bay trên bầu trời, trên đường phố không có xe quân sự và tất cả mọi người xác định được là Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất.”- ông Thái kể lại.
Vinh dự là người lái chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843, một trong 2 xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, Hạ sỹ Lữ Văn Hỏa chia sẻ về giây phút làm nên lịch sử của ngày thống nhất non sông: “Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trưởng xe tăng 843 kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Thời khắc ấy chúng tôi vô cùng sung sướng, vô cùng phấn khởi và tự hào, vì chế độ Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà. Thời khắc lịch sử ấy anh em chúng tôi nhảy ra khỏi xe, ôm nhau, cười ra nước mắt".
Đại úy Nguyễn Đình Thi, khi đó là Chính trị viên phó đại đội 2, tiểu đoàn 4, trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 là mũi tiến công chủ lực theo hướng tấn công từ Tây Ninh về Sài Gòn đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu cùng đồng đội đón tin chiến thắng đúng trong thời khắc sinh tử cận kề, khi tiếng súng vẫn còn nổ vang trong trận đánh ác liệt với liên đoàn 81 biệt kích dù của địch tại khu vực lăng Cha Cả.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi.
Ông Nguyễn Đình Thi bùi ngùi nhớ lại: “Khi chúng tôi nhận được thông tin chiến thắng là lúc đó chúng tôi vẫn đang đánh nhau. Xe của dân quân tự vệ ở khu vực ngã Tư Bảy Hiền họ chạy lên đánh chiêng, treo cờ rầm rầm hô “Dương Văn Minh đầu hàng rồi, giải phóng rồi các chú ơi”. Các đồng đội của chúng tôi hy sinh kể cả sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hôm ấy thiệt hại khá lớn, riêng ở lăng Cha Cả chỗ Sân bay Tân Sơn Nhất là 6 xe tăng. Ở ngay khu vực lăng Cha Cả khoảng hơn 50 chiến sỹ hy sinh, không kể số bị thương. 50 năm nhưng những hình ảnh những đồng đội tôi hy sinh ở Lăng Cha Cả không thể quên được”.
Ở mũi tiến công phía Đông của Quân đoàn 2 và Sư 304 vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quý, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 nhớ lại: “11h ngày 30/4, tôi đang ở sân Dinh Độc Lập, tôi là pháo thủ của xe tăng 846 của Lữ đoàn thiết giáp 203, mũi tiến công phía đông của Quân đoàn 2 và Sư 304. Lúc đó tôi ở trên xe nhảy xuống và ôm các đồng đội của tôi, mừng lắm, chiến tranh đã chấm dứt rồi, máu không còn đổ nữa rồi, đồng bào ta không còn chiến tranh khốc liệt nữa rồi. Tôi nghĩ nhất đến các đồng đội của tôi, bộ đội xe tăng và bộ binh cùng chiến đấu để mau đến giờ toàn thắng, nhiều đồng chí chúng tôi cũng đã ngã xuống, tôi cứ đau đáu suốt cuộc đời mình, cho đến nay là 50 năm. Nhớ các đồng chí lắm. Các đồng chí là những người anh hùng vĩ đại lắm, chia sẻ cho những người còn sống như chúng tôi những cái hạnh phúc”
Bà Nguyễn Thị Sang.
Cách đây 50 năm, bà Nguyễn Thị Sang khi đó mới ngoài đôi mươi, là trưởng tàu, phụ trách tổ tàu Ba Đảm đang ngành đường sắt, chuyên tham gia vận chuyển bộ đội cho chiến trường và đón thương binh từ miền Nam về hậu phương miền Bắc. Bà hồi hồi nhớ lại thời điểm này cách đây 50 năm khi đón tin chiến thắng ngay tại ga tàu.
“Hôm đấy chúng tôi đang tập trung ở Ga Yên Viên, dọn dẹp, sửa chữa các kho hàng bị địch tàn phá. Khi có tin chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Nắm tay nhau, hò hét, reo vang đến khản tiếng. Từ giờ trở đi chúng mình không phải gian khổ trên dọc đường nữa rồi. Dọc đường chiến tranh mình ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ hành khách thì còn phải canh để xem tình hình máy bay địch đánh phá như thế nào để đưa hành khách đi sơ tán kịp thời, cũng như sơ tán đoàn tàu để bảo vệ tài sản ngành đường sắt là đoàn tàu đấy. Đã thống nhất đất nước rồi, không còn bom đạn nữa, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và sung sướng vô cùng. Trừ những người đồng nghiệp đã không may hy sinh rồi, chúng tôi là những người hạnh phúc và sung sướng nhất là còn sống đến ngày thống nhất đất nước”, bà Nguyễn Thị Sang nhớ lại.
Chiến thắng nào cũng có niềm vui và nỗi đau. Cái giá cho hòa bình là cả thanh xuân, máu xương và tính mạng của biết bao người. Hòa bình hôm nay của đất nước được làm nên từ sức mạnh quật cường của nghìn năm dựng nước và giữ nước, là chiến thắng của những con người anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Nguyên Nhung/VOV1