Võ sĩ Tạ Thị Kim Yến (hàng sau, thứ 2 từ trái vào) cùng các thầy trò bộ môn trong niềm vui chiến thắng.
Duyên dáng, nhanh nhẹn, nếu gặp ở ngoài đời sẽ ít ai biết Kim Yến là một võ sĩ gần như “bất khả chiến bại”. Trong thời gian 5 năm tập luyện, tham gia thi đấu chị giành tổng số 33 huy chương các loại, trong đó có 16 Huy chương Vàng (HCV), 6 Huy chương Bạc (HCB) và 11 Huy chương Đồng (HCĐ), đặc biệt là có 5 huy chương tại các giải thi đấu thế giới.
Chị bước vào con đường thể thao như có sự sắp đặt của tạo hóa. Vào một ngày tháng 3-2019, các thầy cô giáo, huấn luyện viên ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh về xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên), phát hiện cô học trò nhỏ nhắn nhưng có tố chất của một võ sĩ đỉnh cao. Thầy trò chuyện, động viên Kim Yến lên Trung tâm sơ tuyển làm vận động viên ở môi trường thể thao chuyên nghiệp. Băn khoăn, nghĩ suy nhiều rồi Kim Yến cũng muốn thử sức.
Kim Yến chia sẻ: Bố mẹ làm ruộng, tôi cũng sớm thạo công việc đồng áng. Hơn nữa, trẻ nông thôn chúng tôi hết giờ lên lớp, về đến nhà tranh thủ làm đồng giúp đỡ bố mẹ chứ làm gì có thời gian tập luyện thể thao. Vậy mà thành vận động viên chuyên nghiệp…
Kim Yến được biên chế vào bộ môn Wushu Sanda, một môn võ đối kháng nổi tiếng với yêu cầu cao về thể lực, kỹ thuật và bản lĩnh. Với chị, mọi thứ đều mới lạ, nhưng bằng sự kiên trì, ý thức cầu tiến và đặc biệt là sự ủng hộ thầm lặng nhưng vững chắc từ gia đình, Kim Yến từng bước vượt qua giới hạn của bản thân, nên chỉ sau 8 tháng miệt mài tập luyện chị đã được lãnh đạo đơn vị lựa chọn cử tham gia thi đấu. Chị đã không phụ lòng tin của huấn luyện viên và bạn bè, ngay lần đầu đăng đài đã giành HCV.
Tấm HCV giành được là nguồn cổ vũ, khuyến khích chị tự tin hơn trên thảm tập và mỗi khi bước lên đài so găng. Chị chia sẻ: Thượng đài, các đối thủ đều là võ sĩ chuyên nghiệp. Họ là những võ sĩ đầy bản lĩnh và rất mạnh. Tôi luôn tôn trọng họ…
Đức tính khiêm nhường là một trong những biểu hiện cao của tinh thần thượng võ của người xứ Trà. Kim Yến là một võ sĩ như thế. Tuy nhiên, phải mạnh hơn những gì mình có thì mới có thể giành huy chương khi đăng đài.
Còn nhớ năm 2023, lần đầu tiên Kim Yến được Đội tuyển quốc gia triệu tập huấn luyện và cử tham dự SEA Games 32 tại Campuchia. Ở hạng cân 48kg nữ môn Kun Khmer. Trận Chung kết chị so găng với nữ võ sĩ May Thazin Htoo của Myanmar. Đó là một nữ võ dày dạn kinh nghiệm trên trường đấu. Nhưng Kim Yến đã vượt qua, giành Huy chương Vàng.
Võ sĩ Tạ Thị Kim Yến (hàng sau, thứ 2 từ trái vào) cùng các thầy trò bộ môn trong niềm vui chiến thắng.
Kim Yến luôn tâm niệm lời dạy của huấn luyện viên Đỗ Thị Bích Thúy: Phải rèn luyện nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe và không bao giờ lùi bước trước khó khăn. Với Kim Yến đó cũng là phương châm để vượt qua những ngày tập luyện căng thẳng, những chấn thương dai dẳng và cả những lúc tưởng như kiệt sức.
Có những buổi tập dài hàng giờ, mồ hôi nhễ nhại, nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến việc bỏ cuộc. Chị chia sẻ: Công sức của thầy cô dành cho tôi và các bạn đồng môn nhiều lắm. Nên chúng tôi động viên nhau tập luyện kiên trì để vượt qua giới hạn của chính mình, không phụ niềm tin của mọi người.
Từ nền tảng Wushu Sanda, Kim Yến được lãnh đạo Trung tâm tin tưởng, cử tham gia tập luyện, thi đấu thêm ở các bộ môn: Kun Kmer, Muay, Kickboxing, Wushu Sanda, Võ cổ truyền. Ở hầu hết các bộ môn tham gia tập luyện, khi được lãnh đạo Trung tâm cử tham gia thi đấu chị đều giành huy chương.
Liên tục gặt hái được thành tích, nhưng chị sống khiếm tốn, thân thiện, được huấn luyện viên, vận động viên các bộ môn ở Trung tâm quý mến. Với chị, chặng đường phía trước còn dài, cánh cửa tương lai đang mở rộng chào đón, nhưng với một võ sĩ chuyên nghiệp thì khó khăn, thử thách cũng luôn đón đợi nơi phía trước, không cho một võ sĩ như chị tự thỏa mãn.
Chị tâm sự: Thỏa mãn là giết chết chính tương lai của mình. Kể cả khi giành được HCV, ngay khi trở về đến Trung tâm là tôi cùng các bạn đồng môn bước ngay vào tập luyện, sẵn sàng tham gia thi đấu.
Ngọc Chuẩn