Vừa qua, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Thư và bị đơn là vợ chồng ông Linh, bà Tuyến. Trong đó, tòa cho rằng bà vợ vay tiền để phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong gia đình nên cả hai vợ chồng phải cùng có nghĩa vụ trả nợ.
Vợ vay 1,4 tỉ, chồng phải liên đới trả nợ vì tiền vay nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Ảnh minh họa AI
Có vay tiền nhưng bị lừa đảo mất
Theo bản án sơ thẩm, bà Thư trình bày, bà và bị đơn là chỗ họ hàng thân thiết. Bà Tuyến nói với bà là đang gặp khó khăn về khoản nợ vay ngân hàng đến hạn thanh toán, muốn vay tiền bà để thanh toán nợ và vay vốn ngân hàng. Sau khi thực hiện xong, bà Tuyến sẽ trả lại cho bà trong 3 ngày, lãi suất thỏa thuận…
Khi thỏa thuận xong, bà Thư chuyển tiền cho Tuyến 4 lần, tổng cộng 1,4 tỉ (vào hai ngày đầu năm 2024) qua số tài khoản ngân hàng do bà Tuyến đứng tên. Sau đó, bà Thư liên hệ vợ chồng ông Linh, bà Tuyến nhiều lần để yêu cầu trả số tiền vay thì các bị đơn tránh né không gặp.
Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu vợ chồng ông Linh, bà Tuyến liên đới trả 1,4 tỉ và lãi suất 1,66%/tháng từ ngày 11-1-2024 cho đến ngày xét xử sơ thẩm; yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án…
Phía bị đơn, vợ chồng ông Linh, bà Tuyến trình bày, từ ngày 7 đến 17-1-2024, bà Tuyến bị nhóm người lừa đảo gọi vào số điện thoại của bà Tuyến xưng tên Cao Minh Thắng là Công an TP Hà Nội nói bà bị dính vào đường dây làm ăn phi pháp đang bị điều tra. Nếu muốn chứng minh mình trong sạch, yêu cầu bà Tuyến phải mở tài khoản ngân hàng, nộp tiền vào tài khoản và phải thực hiện theo chỉ dẫn của nhóm người này.
Do thiếu hiểu biết và hoang mang lo sợ, bà Tuyến đã tìm mọi cách để thực hiện theo sự chỉ dẫn của nhóm người này. Bà đã đi vay mượn tiền của nhiều người để nộp vào tài khoản của mình. Tổng số tiền bà đã nộp vào tài khoản ngân hàng là gần 3,5 tỉ và bị nhóm người trên rút hết mà không hay biết. Hiện sự việc bà đã trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Cần Thơ để yêu cầu điều tra giải quyết. Toàn bộ khoản tiền trên, một mình bà thực hiện từ việc đi mở tài khoản ngân hàng, vay mượn tiền và nộp vào tài khoản. Chồng bà, ông Linh và các con không hay biết sự việc trên.
Trong số tiền đã bị mất trên, bà Tuyến đã vay của bà Thư 1,4 tỉ, lãi suất 4,5%/tháng. Khi vay tiền, bà nói dối bà Thư là vay để thanh toán nợ ngân hàng nhưng thực tế không thanh toán nợ ngân hàng. Bà Tuyến xin trả dần cho bà Thư 1,4 tỉ trong thời hạn 5 năm (trả 300 triệu/năm cho đến khi hết số nợ) và yêu cầu bà Thư không tính lãi suất.
Tòa: Vay để phục vụ nhu cầu thiết yếu gia đình
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ nhận định, tài khoản do bà Tuyến mở dùng để thực hiện xác lập các giao dịch dân sự trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng. Cụ thể số dư trong tài khoản có được từ việc bà Tuyến vay của bà Thư 1,4 tỉ. Các giao dịch dân sự khác từ các tài khoản khác chuyển vào tài khoản của bà Tuyến. Bà Tuyến dùng số dư trong tài khoản của mình để thực hiện các giao dịch thanh toán đối với nhiều tài khoản khác trong đó có thực hiện giao dịch dân sự với bà Thư.
Ngoài ra, theo bản sao kê, số dư trong tài khoản bà Tuyến thì bà tự thực hiện thanh toán cho nhiều giao dịch dân sự khác (cụ thể 3 số tài khoản đứng tên 3 người). Theo tòa, ngoài lời trình bày của bà Tuyến (về việc bị lừa đảo rút mất tiền), bà không có tài liệu chứng cứ gì để chứng minh nhóm lừa đảo rút tiền từ tài khoản ngân hàng của bà.
“Do đó, có cơ sở xác định bà Tuyến dùng tài khoản ngân hàng do bà đứng tên thực hiện giao dịch vay tiền giữa bà Thư với bà cũng như thực hiện các giao dịch dân sự khác đối với nhiều tài khoản ngân hàng của các cá nhân khác. Việc bà Tuyến dùng số tiền vay của nguyên đơn để phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong gia đình trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng nên việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn, vợ chồng ông Linh, bà Tuyến cùng có trách nhiệm liên đới trả số nợ trên là phù hợp” – bản án sơ thẩm nêu.
Từ đó, tòa buộc vợ chồng bị đơn liên đới trả cho nguyên đơn hơn 1,57 tỉ (gồm gốc 1,4 tỉ, lãi hơn 178 triệu).
Được biết, vợ chồng bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đang chờ TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm.
Nhận định của tòa về “phục vụ nhu cầu thiết yếu” chưa rõ
Từ vụ án trên thì hiểu thế nào về quy định “các nhu cầu thiết yếu trong gia đình trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng”?
Theo luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, Khoản 20, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định, nhu cầu thiết yếu trong gia đình là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.
Theo như thông tin trong bản án sơ thẩm thì bà Tuyến cho rằng bà bị các đối tượng khác lừa đảo; Quá trình vay mượn số tiền trên do một mình bà thực hiện, chồng cùng các con không hề hay biết. Như vậy, mục đích vay tiền của bà Tuyến không nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình mà phục vụ cho mục đích cá nhân của bà.
Vì thế việc tòa buộc chồng bà Tuyến phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cùng bà là chưa hợp lý. Khoản 3 Điều 45 Luật HN&GĐ 2014 quy định, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình thì được coi là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Trong tình huống trên, việc vay tiền do một mình bà Tuyến xác lập, tiền không được dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình nên đây được coi là khoản vay riêng của bà Tuyến. Nếu ông Linh chứng minh được số tiền trên không được đưa vào sử dụng chung thì ông không có nghĩa vụ phải liên đới chịu trách nhiệm.
Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cũng cho rằng, Luật HN&GĐ đã quy định rõ về nhu cầu thiết yếu tại Khoản 20, Điều 3 nên không giải thích khác.
Theo Luật sư Phong, nhận định của bản án sơ thẩm về nhu cầu thiết yếu chưa đầy đủ cơ sở, bởi không thể khi đã loại trừ được giao dịch bị lừa đảo thì tiền đó trở thành tiền sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Trên thực tế, việc chứng minh sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình cũng không phải mọi trường hợp đều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu buộc bà Tuyến chứng minh số tiền 1,4 tỉ dùng vào nhu cầu thiết yếu gì trong thời gian bao lâu thì có thể ra manh mối.
Thực tế cũng cho thấy, trong đời sống cá nhân, không phải chỉ có những nhu cầu sinh hoạt gia đình, mà còn có nhiều nhu cầu khác, có trường hợp vợ/chồng vay tiền chơi số đề hoặc giúp đỡ bên chồng/vợ mà một bên vợ hoặc chồng không hay biết. Những trường hợp này, bên vợ hoặc bên chồng không hay biết không thể có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Do đó, nhu cầu thiết yếu của gia đình trong vụ án này cần được làm rõ mới có căn cứ thuyết phục.
NHẪN NAM