Chia sẻ với PV Báo Tri thức và cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, cần phải xây dựng văn hóa trong hoạt động du lịch để không xảy ra những sự việc tương tự.
Màn pháo hoa trên du thuyền Ambassador Cruise. Ảnh: Ambassador Cruise
Hành vi phản cảm, vi phạm đạo đức kinh doanh
Hai du thuyền vẫn tổ chức bật nhạc, bắn pháo hoa trong lúc tỉnh Quảng Ninh đang huy động hơn 1.000 tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long. Hành vi này có phản cảm, vi phạm đạo đức kinh doanh?
Vụ tai nạn lật tàu Vịnh Xanh 58 khiến 37 người chết, 2 người mất tích ở Vịnh Hạ Long là rất thương tâm. Trong khi lực lượng cứu hộ còn đang vật lộn với những con sóng dữ để tìm kiếm nạn nhân…thì vẫn có những người thờ ơ, thậm chí còn thể hiện những hành động vô cảm, vô trách nhiệm. Trong đó có việc một số du thuyền gần đó vẫn tiến hành tham quan du lịch, vui chơi, thậm chí bắn pháo hoa, mở nhạc… những hình ảnh phản cảm này khiến nhiều người không khỏi bất bình.
Đại diện Sở VHTTDL Quảng Ninh cho biết, ngay khi xảy ra vụ lật tàu, Sở đã cho tạm hoãn các hoạt động giải trí, bắn pháo hoa và có văn bản chỉ đạo, nhưng các doanh nghiệp có thể chưa nhận thức rõ. Câu hỏi đặt ra, cùng với trách nhiệm của hai du thuyền, các cơ quan quản lý cũng phải liên đới trước hành vi phản cảm? Liệu có hay không sự bảo kê, chống lưng nên các đơn vị nhờn chỉ đạo?
Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người có thể là vụ tai nạn gây hậu quả lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực du lịch ở tỉnh Quảng Ninh cũng như trên cả nước. Vì vậy, Sở VHTTDL Quảng Ninh đã kịp thời có những văn bản điều chỉnh, chấn chỉnh hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, một số tàu thuyền vẫn bất chấp cảnh báo, thậm chí lệnh cấm của cơ quan chức năng để thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí trên biển, gây ra những hình ảnh phản cảm.
Trước sự việc đau thương khi xảy ra vụ lật tàu du lịch cướp đi nhiều sinh mạng như lời ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói rằng :"Tôi trực tiếp ở hiện trường, rất là đau xót", ngay từ chiều 19/7, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng toàn bộ các hoạt động bắn pháo hoa đối với các đơn vị được cấp phép nhằm chia sẻ với các nạn nhân và gia đình chịu ảnh hưởng do vụ tai nạn lật tàu. Tối ngày 19/7 và cả ngày 20/7, tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều sự kiện, hoạt động lớn, tuy nhiên đều đã được hủy bỏ. Vì vậy, việc hai du thuyền vẫn bắn pháo hoa rõ ràng dù giải thích thế nào cũng là phản cảm, chưa nói đến vi phạm đạo đức kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật, các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ hoạt động theo các quy định về đường thủy nội địa, về du lịch. Theo đó các tàu thuyền phải có đăng ký, đăng kiểm, việc rời bến phải cập bến, tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn và có sự quản lý của cơ quan chức năng như Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra du lịch, cảnh sát đường thủy …trường hợp các tàu du lịch không đủ điều kiện tiêu chuẩn, không được phép hoạt động hoặc hoạt động ở thời điểm có lệnh cấm đó là các hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà tổ chức cá nhân vi phạm sẽ phải chịu những chế tài khác nhau.
Xin lỗi là chưa đủ
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công ty APC Corporation, đơn vị sở hữu du thuyền Ambassador Cruise đã đăng lên mạng xã hội bài viết xin lỗi công khai và mong được dư luận chia sẻ. Trong bài viết xin lỗi có đoạn “Chúng tôi chân thành nhận trách nhiệm vì sự thiếu nhạy bén và vô tình đã gây tổn thương đến tâm lý của các gia đình nạn nhân cũng như cộng đồng”. Tương tự, tàu Sea Octopus Cruise cũng đăng trên mạng xã hội lời xin lỗi và mong muốn được nỗ lực đồng hành cùng thân nhân các gia đình gặp nạn trong thời gian khó khăn sắp tới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chỉ xin lỗi thôi là chưa đủ, bởi đây là hành động thể hiện sự vô cảm và thiếu chuyên nghiệp cũng như đạo đức kinh doanh.
Bài học với ngành du lịch
Từ vụ việc trên, bài học với ngành du lịch, nhất là du lịch hạng sang? Tổng kết vụ việc từ nhiều chiều: pháp lý – đạo đức – truyền thông – quản trị. Không thể phát triển “du lịch bền vững” nếu thiếu sự nhân văn và tỉnh táo. Cần luật hóa các tiêu chuẩn ứng xử trong các tình huống khẩn cấp?
Phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, đến yếu tố con người, cơ chế quản lý. Đặc biệt muốn phát triển du lịch bền vững phải phát huy những giá trị từ những nguồn lực, cần phải có chiến lược lâu dài. Trong đó, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đòi hỏi hoạt động phát triển du lịch ở địa phương này, xứng tầm và phù hợp với chính sách pháp luật của Nhà nước.
TS.LS Đặng Văn Cường.
Vụ tai nạn lần này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Qua sự việc này thì cơ quan chức năng cũng cần tiến hành thanh tra kiểm tra các tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long nói riêng cũng như ở các địa phương phát triển du lịch để đảm bảo các tàu thuyền phải đạt tiêu chuẩn an toàn, có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ thì mới được phép hoạt động.
Những người lái tàu, phục vụ trên tàu phải có trình độ chứng chỉ chuyên môn phù hợp, cần được tập huấn đầy đủ. Các thiết bị đảm bảo an toàn, cứu hộ cứu nạn phải được trang bị đầy đủ. Đặc biệt là hệ thống định vị, quản lý, giám sát hoạt động của tàu du lịch để kịp thời ứng phó, cứu nạn trong những tình huống khẩn cấp. Khi những vụ việc tai nạn xảy ra, cần phải có lực lượng cứu hộ kịp thời, phát huy tối đa năng lực phòng thủ dân sự để cứu hộ cứu nạn, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra về người và tài sản.
Một điều cần lưu ý, phải xây dựng văn hóa trong hoạt động du lịch để không xảy ra những sự việc phản cảm như vậy nữa
Với những cá nhân, những doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, có ý thức coi thường pháp luật, không tuân thủ các quy tắc an toàn, chuẩn mực đạo đức cần phải kịp thời cảnh báo, thậm chí xử lý bằng các chế tài của pháp luật để xây dựng một môi trường du lịch có văn hóa, đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi trên!
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, chủ sở hữu du thuyền Sea Octopus được thành lập vào tháng 4/2017 với tên gọi Công ty TNHH Một thành viên du lịch Hương Hải. Công ty đăng ký vốn điều lệ là 10 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính được đăng ký là lưu trú ngắn ngày. Tháng 4/2025, công ty thay đổi đăng ký kinh doanh. Vị trí chủ doanh nghiệp, Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật được chuyển từ ông Bùi Đức Long sang ông Nguyễn Đình Đức (sinh năm 1979). Tại thời điểm này, doanh nghiệp có 80 lao động theo thông tin kê khai thuế. Ông Nguyễn Đình Đức còn là Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sealife Group - chi nhánh Cát Hải, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Logistic Diêm Điền, Chi nhánh Nha Trang của Công ty Sealife Group.
Tương tự, doanh nghiệp sở hữu du thuyền Ambassador là Công ty cổ phần Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (viết tắt là APC Corporation). Công ty này được thành lập vào tháng 1/2021 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách đường thủy nội địa. Ông Nguyễn Cao Sơn (sinh năm 1978) là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Tháng 6/2023, công ty này tăng vốn lên 50 tỷ đồng. Đến tháng 3/2024, các vị trí của ông Sơn được chuyển sang cho ông Nguyễn Hồng Nhật (sinh năm 1971). Tháng 5 vừa qua, công ty này tăng vốn lên 100 tỷ đồng.
Mời độc giả xem thêm video Quảng Ninh họp báo thông tin vụ lật tàu Vịnh Xanh 58:
Nguồn video: VTV24
Hải Ninh thực hiện
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/voi-bach-tuoc-sea-octopus-va-ambassador-cruise-lam-nong-chuan-dao-duc-post1556889.html