Nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Là lần ấy, một đêm rét rất ngọt, mấy anh em văn chương co ro hứng rét ở một cái quán ven Hồ Tây Hà Nội bằng ốc, rượu và... thơ. Thực ra là anh em ở Hà Nội đón tôi khi tôi ra họp một cuộc họp cuối năm. Vả lại tính tôi rất nghiện rét. Viêm họng hạt mạn tính, ho sù sụ nhưng năm nào, cữ rét nhất, tôi cũng kiếm cớ làm một cú ngược Bắc hưởng rét, chính xác là nhấm nháp ký ức. Đang cao hứng tôi rủ hú họa Sương Nguyệt Minh: Mai về Ninh Bình? Tưởng rủ cho vui chứ mấy ông văn nhân Hà Nội tôi lạ gì, Cô-ta có hạn, đi chuyến này thì khỏi chuyến sau vì chỉ có chừng ấy, chưa kể đang nửa đêm mà mai lại đi sớm. Thế mà rồi ông thản nhiên: thì đi.
Anh bạn nhà thơ quan chức có ô tô hào hứng: Tôi rất muốn đi cùng các ông, nhưng mai tôi bận, tôi điều xe cho các ông đi. Sương Nguyệt Minh thủng thẳng, chúng tôi đi chơi, về quê, thì tự đi xe khách, không phiền đến ông. Xe biển trắng cũng không phiền huống gì xe ông biển xanh.
Rồi ông hẹn tôi, mai cứ đúng 7h30 phút có mặt tại bến xe, trước cổng, đi kiểu nhân dân cho nhanh.
Đúng hẹn tôi có mặt thì đã thấy ông đại tá nhà văn ở đấy rồi. Tôi bảo để tôi vào mua vé. Ông bảo đi kiểu... nhân dân là không mua vé, xe nó sẽ chạy qua đây, rất chậm, mình nhảy lên, vừa nhanh vừa rẻ hơn... 5 nghìn.
Mà rồi thế thật.
Xe thả chúng tôi ngay ở đường phố chính Ninh Bình. Tôi đã điện trước cho nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình, hẹn với ông là tôi sẽ “dắt” ông nhà văn Ninh Bình toàn tòng tới ra mắt.
Thực ra các văn nhân Ninh Bình đều nghe tiếng nhà văn Sương Nguyệt Minh, biết ông là người Ninh Bình, nhưng quả là chưa gặp bao giờ. Tôi thì ngược lại, quen các ông ấy qua các cuộc... họp, mà mỗi lần thấy tôi ra Hà Nội họp Sương Nguyệt Minh lại trêu: Ông Văn Công Hùng cưỡi một con trâu ra họp. Ý là tôi bay tốn tiền của... dân.
Lại cũng nhớ lần tôi ra Hà Nội, nhà văn Phan Đình Minh, khi ấy là thượng tá công an, rất nổi tiếng về văn hay, đưa tôi về nhà thăm bố mẹ anh ở ngay Cẩm Giàng, chỗ phát tích Tự lực Văn đoàn. Khi lên, tôi bảo anh ghé vào Hội VHNT và rất đông anh chị em văn chương Hải Dương khi ấy mới biết mặt ông này, dù trước đó nghe loáng thoáng Phan Đình Minh là người Hải Dương.
Đấy, cái duyên kỳ ngộ nó cứ thế. Nên tôi bảo với Sương Nguyệt Minh là đừng tự hào toàn tòng là một, gần là hai, vì tôi xa, tôi một nửa nhưng tôi lại là người giới thiệu ông với anh em văn chương Ninh Bình.
Nhưng mấy tháng trước, cũng ghé Ninh Bình thì Sương Nguyệt Minh lại giới thiệu cho tôi một ông nhà thơ Ninh Bình, anh Đinh Ngọc Lâm, một ông anh vừa tiếp xúc đã kết nhau ngay. Tôi nói với anh: Huề nhé.
Sương Nguyệt Minh cẩn thận và tận tình với bạn dù cũng rất... kiêu ngạo. Lần nào tôi ra Hà Nội anh cũng phóng con xe Future rất cũ và rất bẩn từ mãi bên Thanh Xuân đến ngồi với nhau một cuộc, dù có những cuộc mà khi tôi gọi là đã hơn 10 giờ đêm và cuối năm lạnh cắt ruột như cái cuộc mà tôi rủ anh đi Ninh Bình ấy. Lần sau là cuộc còn muộn hơn ở khách sạn Kim Liên, anh sù sụ trong 2 lần áo hơi phồng phềnh, khăn quàng kín mít, mũ bảo hiểm trùm gáy trùm mặt, phi đến. Thường thì biết tôi ra anh chủ động đặt lịch. Thường là anh nhắn tin trước, ra thì gặp nhau ngay nhé, kẻo hôm sau sẽ túi bụi, anh biết tôi cũng rất đông bạn, nên chủ động... xí trước. Và còn cẩn thận hỏi thích ngồi với ai. Sau một hồi nhắn tin qua lại, anh chốt: Sẽ ngồi với Đỗ Tiến Thụy, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Phan Đình Minh nhé, chỉ 6 người thôi nhé, để dễ nói chuyện. 6 người, mỗi tôi là dân sự, còn lại là các nhà văn quân đội và công an, những cây bút rất sung sức.
Đang là đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh xin nghỉ để sang Ban Sáng tác, một cái ban mà quân đội ưu ái để các nhà văn có thời gian sáng tác không phải làm quản lý, dù có tin đồn nếu ở lại anh sẽ lên cao nữa, nhưng nghỉ là nghỉ, anh dứt mình ra khỏi ban biên tập và quản lý để hết mình với sáng tạo của riêng mình. Và sòn sòn tác phẩm ra đời trong thời gian ấy mà tiêu biểu là tiểu thuyết “Miền hoang” anh viết về cuộc chiến ở Campuchia với tất cả sự khốc liệt đến bàng hoàng, đến đau đớn của nó, để cuối cùng bật lên những tia sáng lung linh của cái thiện, cái đẹp của tình người trong chiến tranh.
Tháng 2/1975 là lính Quân khu Hữu Ngạn. Tháng 9/1975 là lính Quân đoàn 4. Từ tháng 4/1977 lính bảo vệ Biên giới Tây Nam, tại Mặt trận Tây Ninh. Tháng 12/1978 đến tháng 4/1980 làm nghĩa vụ quốc tế ở Mặt trận Campuchia, sau đó vào học Trường Sĩ quan lục quân 2, ra trường về công tác ở Học viện Quân y, khác với một số nhà văn quân đội lớp trước ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, là sĩ quan nhưng không qua chiến trận, Sương Nguyệt Minh tự hào mình là lính chiến thực sự. Những lúc tếu táo, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, người từng là lính Quân đoàn 3 Tây Nguyên, hay đề nghị... chia phe, phe lính là lính và phe lính nhưng không phải lính nhưng lại là lính, ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội và Sương Nguyệt Minh đều được anh em nhà văn trẻ ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội phong là lính ở hàng... đầu bảng.
Với Ninh Bình, dấu ấn trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh rất đậm. Những tên tác phẩm: “Mười ba bến nước”, “Đi qua đồng chiều”, “Người ở bến sông Châu” đọc lên đã thấy... Ninh Bình, chưa kể truyện ngắn: “Nỗi đau dòng họ” khi đăng xong đã bị bà con quê anh gửi đơn đi... kiện anh bêu riếu dòng họ Nguyễn của anh. Sự việc mãi rồi mới xuôi, bởi không phải ai cũng hiểu truyện là hư cấu và Sương Nguyệt Minh hư cấu mà. Nhưng cũng là dịp để anh và các nhà văn rút kinh nghiệm để làm sao mà truyện vẫn viết như ý đồ nhưng lại không bị... kiện. Giờ thì mỗi lần ra Hà Nội, Sương Nguyệt Minh lại là người chủ động rủ tôi về Ninh Bình.
Và giờ, trong mắt tôi, anh lại là ông nhà văn Ninh Bình toàn tòng và hoàn hảo. Thì dại gì mà lanh chanh như hồi nào kia, giờ cứ kệ, ông ấy dắt mình đi đâu thì đi đấy, ngồi đâu thì ngồi đấy và té ra, toàn được đi chỗ hay, ngồi chỗ thú vị và ăn thì ngon.
Ngược lại, cũng đã có lần tôi đưa được Sương Nguyệt Minh sang đất Campuchia nơi có một phần tuổi trẻ của anh ở đấy. Tất nhiên đấy không phải là nơi ông nhà văn này từng đánh nhau, nhưng cái cách ông rón rén khi bước qua cái barie cửa khẩu thì có vẻ ông rất xúc động. Cũng phải thôi, có nhà văn nào lại có thể quên được ký ức...
VĂN CÔNG HÙNG