Volkswagen sẽ đóng cửa 3 nhà máy tại Đức. Ảnh: carexpert
Quyết định tái cơ cấu này có thể khiến hàng chục nghìn lao động mất việc, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trong tuyên bố chính thức từ trụ sở tại Wolfsburg vào ngày 28/10, bà Daniela Cavallo, Chủ tịch công đoàn Volkswagen, xác nhận kế hoạch đóng cửa các nhà máy và cắt giảm đáng kể quy mô sản xuất. “Volkswagen muốn thu hẹp quy mô của tất cả các nhà máy còn lại, thoái vốn khỏi các lĩnh vực không cốt lõi và giảm lương nhân viên,” Cavallo cho biết. Theo bà, Volkswagen đang cân nhắc các biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với thách thức của thị trường và cải thiện sức cạnh tranh.
Volkswagen đối mặt với nhiều áp lực, từ giá năng lượng leo thang, chi phí lao động cao cho đến sức ép từ các hãng xe điện Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào ngành sản xuất ô tô, đặc biệt khi xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường truyền thống của ô tô Đức – đang giảm mạnh. Sự chuyển hướng của người tiêu dùng Trung Quốc sang xe điện nội địa đã khiến Volkswagen mất đi một phần lớn thị phần.
Volkswagen hiện sử dụng khoảng 60.000 nhân viên tại Wolfsburg, nơi đặt trụ sở và nhà máy chính của hãng, cùng hàng chục nghìn lao động tại các địa phương khác. Nếu kế hoạch cắt giảm nhân sự và lương trong năm 2025 và 2026 được thực thi, nhiều công nhân và gia đình sẽ gặp khó khăn. Các nhân viên đã tổ chức biểu tình tại Wolfsburg để phản đối kế hoạch này.
Dù là một trong những hãng sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, Volkswagen hiện gặp khó khăn trong việc bắt kịp xu hướng xe điện so với các đối thủ. Gunnar Kilian, thành viên hội đồng quản trị Volkswagen, nhấn mạnh rằng công ty cần có biện pháp quyết liệt để duy trì khả năng cạnh tranh. “Chúng tôi không thể tiếp tục gánh chi phí lớn nếu không có thay đổi toàn diện.”
Theo các chuyên gia, đây có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của Volkswagen kể từ đầu những năm 1990. Giáo sư Helena Wisbert từ Đại học Ostfalia cho rằng tác động của kế hoạch này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ người Đức, đặc biệt khi Volkswagen là biểu tượng công nghiệp gắn bó lâu đời với bản sắc của đất nước.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng những sai lầm trong quản lý là nguyên nhân chính khiến Volkswagen rơi vào tình trạng hiện tại, đồng thời cam kết chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ để duy trì việc làm và bảo vệ quyền lợi người lao động.
Nền kinh tế Đức hiện là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G7 được dự báo tăng trưởng âm năm nay, với khả năng suy giảm 0,2% vào năm 2024. Ngành công nghiệp ô tô, chiếm phần lớn GDP của Đức, đóng góp khoảng 564 tỷ euro mỗi năm, đang đối mặt với hàng loạt thách thức.
Quyết định đóng cửa nhà máy của Volkswagen sẽ là một thử thách không chỉ đối với hãng mà còn đối với toàn bộ ngành công nghiệp và nền kinh tế Đức. Trong thời kỳ chuyển giao sang xe điện và áp lực từ cạnh tranh toàn cầu, những thay đổi này có thể là bước ngoặt lớn đối với biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô châu Âu.
Linh Dương