Khoảng 2.700 tỷ có nguy cơ "nằm im"
Ngày 14/7, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Văn Lâu chủ trì họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố.
Sở Tài chính Cần Thơ cho biết, sau hợp nhất với Hậu Giang, Sóc Trăng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay của Thành phố hơn 29.244 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 6 mới giải ngân được hơn 7.300 tỷ đồng, đạt hơn 26% so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ đang chậm tiến độ so với kế hoạch.
Sở Tài chính thống kê, toàn Thành phố có 67 dự án đầu tư công vốn từ 100 tỷ đồng trở lên (tổng vốn hơn 20.200 tỷ đồng), chiếm gần 74% tổng vốn đã giao chi tiết. Do đó, tiến độ các dự án này sẽ ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân của năm nay.
Tuy nhiên, tới hết tháng 6, các dự án này mới giải ngân hơn 4.356 tỷ đồng, đạt hơn 21% kế hoạch vốn giao.
Về nguyên nhân giải ngân vốn chậm, Sở Tài chính Cần Thơ chỉ ra, phần lớn các công trình, dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vật liệu, giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công và giải ngân. Ngoài ra, một số nhà thầu không đảm bảo năng lực, có dự án chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng rồi đấu thầu lại, kéo dài thời gian thực hiện...
Với đường bộ cao tốc, Cần Thơ được giao làm chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tổng số vốn ngân sách trung ương bố trí năm nay hơn 7.000 tỷ đồng.
Tới hết tháng 6 mới giải ngân được hơn 1.555 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch. Sở Tài chính tính toán, số vốn không có khả năng giải ngân trong năm nay khoảng 2.700 tỷ đồng.
Không giải ngân hết thì thành phố phải bù
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thời gian tới, Sở Tài chính Cần Thơ cho biết, sẽ phối hợp đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh vốn giữa các dự án, ưu tiên vốn cho dự án giải ngân tốt. Trường hợp sau điều chuyển kế hoạch vẫn còn số vốn không thể giải ngân, Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND thành phố trình Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng điều chuyển sang các địa phương, bộ ngành trung ương khác có nhu cầu.
Ngoài ra, Cần Thơ còn hơn 7.886 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu, tới hết tháng 6 mới giải ngân hơn 2.200 tỷ đồng (đạt hơn 28%). Sở Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với chủ đầu tư tiến hành rà soát phương án điều chuyển nội bộ giữa các dự án để trình UBND thành phố quyết định.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Văn Lâu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CK
Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, kết quả giải ngân nói trên của thành phố quá thấp, chỉ đạt 26% kế hoạch trong khi bình quân cả nước hơn 32%. Trong đó, vốn đã giao chưa giải ngân và vốn chưa giao chi tiết còn nhiều.
“Liệu từ nay tới cuối năm giải ngân được bao nhiêu? Tình hình rất khó khăn, các nhà thầu thời gian qua đã thực hiện ra sao? Nếu nhà thầu thiếu khả năng, hạn chế, chủ đầu tư đã xử lý chưa, mặt bằng vướng cái gì?”, ông Lâu nêu loạt câu hỏi.
Chia sẻ với các sở ngành, đơn vị thời gian qua cùng lúc làm nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhưng theo ông Lâu, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ được phân công để tháo gỡ.
"Vốn còn nhiều trong khi thời gian không có nhiều, phải chạy đua từng ngày, nếu không sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ cả năm", ông Lâu cảnh báo.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các sở ngành, chủ đầu tư rà soát lại từng dự án, xác định rõ vướng mắc ở đâu để Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để trình HĐND tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 7 này. Trong đó, chủ đầu tư phải xây dựng ‘đường găng’ tiến độ từng dự án theo tuần, tháng, báo cáo rõ sẽ làm được gì, trách nhiệm người đứng đầu tới đâu, phân công trách nhiệm cụ thể cho ai.
“Rà soát lại vốn trung ương giao để thực hiện, với quyết tâm phải giải ngân hết số vốn này, bởi nếu bị cắt, thành phố phải bù, mà bù cũng chưa chắc làm được. Xin được vốn đã khó lại tiêu không được, lại không có vốn để bù, nên phải tìm mọi giải pháp để giải ngân cho hết vốn trong năm”, ông Lâu chỉ đạo.
Cùng đó, người đứng đầu TP. Cần Thơ giao Sở Nội vụ trình ngay Đề án hợp nhất và chỉ định nhân sự các Ban quản lý dự án; thành lập các chi nhánh Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư ở các xã phường (trước đây ở cấp huyện), để triển khai ngay công việc.
Ông Lâu cũng yêu cầu các Ban quản lý, chủ đầu tư rà lại những dự án còn vướng mặt bằng và báo cáo Thành phố; chủ động làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các địa phương để giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.
Các chủ đầu tư, đơn vị liên quan cũng được yêu cầu rà soát lại vốn, điều chuyển vốn từ một số dự án khó giải ngân sang dự án khác. Riêng vốn trung ương giao "bằng mọi giá" phải giải ngân, trừ trường bất khả kháng phải trình HĐND để điều chuyển sang năm sau…
“Tinh thần là vì cái chung, vì sự phát triển của thành phố, quyết tâm, quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Lâu yêu cầu.
Về nguồn vốn dư hơn 3.000 tỷ đồng của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Văn Lâu đề nghị, các sở ngành nghiên cứu đề xuất lập dự án mới, ưu tiên thực hiện các khu tái định cư.
Cảnh Kỳ