Vốn hóa vượt 6 tỷ USD, Masan Consumer (MCH) đặt mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay

Vốn hóa vượt 6 tỷ USD, Masan Consumer (MCH) đặt mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay
2 ngày trướcBài gốc
Sẽ hoàn tất IPO trong năm nay
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã cổ phiếu MCH) - công ty con của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) về kế hoạch hủy giao dịch của cổ phiếu MCH trên sàn giao dịch UPCoM.
Đồng thời, Masan Consumer cũng trình cổ đông xem xét kế hoạch đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE). Thời hạn để cổ đông gửi phiếu biểu quyết về công ty đối với các nội dung trên là trước ngày 28/2.
Tập đoàn Masan đánh giá việc IPO thành công Masan Consumer sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tăng trưởng kinh doanh và tiếp cận thị trường vốn.
Kế hoạch niêm yết của Masan Consumer trên HoSE đã được cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tới tháng 10/2024, Hội đồng Quản trị công ty đã có nghị quyết, thông qua việc triển khai chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết tại HoSE. Cổ phiếu MCH đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ đầu năm 2017 đến nay.
Tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 2, ông Michael Hung Nguyen - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết Masan Consumer đặt mục tiêu sẽ hoàn tất kế hoạch trên trong năm nay.
Lãnh đạo Tập đoàn Masan đánh giá việc IPO thành công sẽ bước mở khóa nhiều giá trị, tăng hiệu quả kinh doanh và đồng thời giúp Masan Consumer có thể tiếp cận thị trường vốn rộng lớn hơn.
Báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét của Tập đoàn Masan cho thấy tập đoàn này nắm giữ 68,1% tỷ lệ lợi ích tại Masan Consumer (tính đến 30/6/2024).
Masan Consumer được ban lãnh đạo Tập đoàn Masan đánh giá là “viên kim cương gia bảo”. Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Tập đoàn Masan, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer.
Với xuất phát điểm ở ngành gia vị vào năm 2002, hiện nay Masan Consumer đã tham gia vào 8 ngành hàng tiêu dùng chính tại thị trường Việt Nam và sở hữu sản phẩm dẫn đầu tại nhiều phân khúc. Trong đó, 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.
Trong năm 2024, Masan Consumer đem về cho Tập đoàn Masan khoản doanh thu thuần lên đến 30.897 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2023, và chiếm hơn 37% tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn.
Biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer trong năm 2024 cũng được cải thiện từ mức 45,9% lên 46,6%. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ của Masan Consumer đạt hơn 7.803 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2023.
Kỳ vọng tăng trưởng 15% trong năm nay
Năm nay, Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ở mức cao, từ 10% - 15% trong năm nay, đạt 33.500 tỷ đồng - 35.500 tỷ đồng. Công ty cho biết kết quả kinh doanh năm nay sẽ được thúc đẩy bởi các động lực tăng trưởng chiến lược và việc phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số “Retail Supreme” với việc số hóa bán lẻ truyền thống, lập kế hoạch cung & cầu, sản xuất, phân phối. Từ đó cải thiện việc lên kế hoạch cung ứng, tăng năng suất của nhân viên bán hàng và tối ưu hiệu quả sinh lời (ROI) của hoạt động tiếp thị.
Masan Consumer cho biết sẽ tiếp tục triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị & Thực phẩm tiện lợi, tăng cường vị thế dẫn đầu thị trường trong phân khúc cao cấp bằng cách chuyển đổi từ mì ăn liền sang các bữa ăn chế biến sẵn như “Lẩu tự sôi”, “Cơm tự chín” và “Lẩu cầm tay”, giúp nắm bắt tăng trưởng trong xu hướng tiêu dùng bên ngoài gia đình.
Trong ngành hàng Đồ uống, Masan Consumer đang lên kế hoạch Mở rộng danh mục WakeUp247 và giành thị phần trong phân khúc trà uống liền (RTD) với các sản phẩm mới của Tea365. Với ngành hàng Hàng tiêu dùng, công ty sẽ tái cấu trúc danh mục để tập trung xây dựng các sản phẩm mới thuộc các thương hiệu Chante và Net, cũng như tham gia sâu hơn vào thị trường chăm sóc cá nhân.
Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm nay ở mức 15 - 20%, đạt từ 33.500 tỷ đồng - 35.500 tỷ đồng.
Đối với chiến lược Go Global, Masan Consumer đặt mục tiêu tăng trưởng 20% trở lên thông qua việc tập trung vào các thị trường chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU với danh mục sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.
Trước đó, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Masan Consumer từng chia sẻ mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu.
Phản ứng trước các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh và kế hoạch niêm yết HoSE, thị giá cổ phiếu MSN đã duy trì đà tăng mạnh từ đầu năm 2024. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của công ty đạt hơn 159.715 tỷ đồng, tương đương 6,26 tỷ USD.
Ở một diễn biến khác, Masan Consumer đang trong quá trình chào bán 326,8 triệu cổ phiếu ra công chúng, tương đương tỷ lệ 45,1% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 18/2 - 10/3/2025. Trong trường hợp hoàn tất đợt phát hành, Masan Consumer sẽ tăng vốn điều lệ từ 7.355,5 tỷ đồng lên gần 10.624 tỷ đồng.
Duy Quang
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/von-hoa-vuot-6-ty-usd--masan-consumer--mch--dat-muc-tieu-tang-truong-15--nam-nay-133327.htm