Áp lực thoái vốn từ khối ngoại
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tháng 4/2025 trong sắc thái không mấy tích cực khi khối ngoại tiếp tục gia tăng bán ròng mạnh mẽ, với tổng giá trị lên tới 14.506 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Đây không chỉ là mức cao nhất kể từ đầu năm mà còn kéo dài chuỗi rút vốn ra khỏi thị trường lên con số 15 tháng liên tiếp.
Tính lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị bán ròng đã tiệm cận mốc 42.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỷ USD – một con số không thể xem nhẹ trong bối cảnh thị trường nội địa vẫn đang duy trì nền tảng ổn định.
Thanh khoản dần được cải thiện, định giá cổ phiếu duy trì mức hấp dẫn so với khu vực, và nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Tuy vậy, những yếu tố này vẫn chưa đủ sức để "níu chân" dòng vốn ngoại trong ngắn hạn.
Áp lực thoái vốn từ khối ngoại vẫn đè nặng thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ những biến động khó lường trên bình diện quốc tế. Chính sách tiền tệ của Mỹ tiếp tục là ẩn số lớn khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn chưa đưa ra cam kết rõ ràng nào về việc giảm lãi suất trong năm nay.
Điều này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, làm tăng tính hấp dẫn tương đối của tài sản tại các thị trường phát triển so với nhóm thị trường mới nổi như Việt Nam.
Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng tạo thêm áp lực lên các quỹ đầu tư toàn cầu, buộc họ phải tái cơ cấu danh mục và thu hẹp tỷ trọng đầu tư tại các thị trường kém thanh khoản hơn.
Không dừng lại ở yếu tố bên ngoài, bản thân thị trường Việt Nam cũng còn nhiều điểm nghẽn trong việc thu hút vốn ngoại. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn vẫn rất hạn chế, trong khi các phiên IPO hoặc đấu giá cổ phần hóa tiếp tục diễn ra trầm lắng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài phản ánh rằng thị trường hiện thiếu vắng những cơ hội đầu tư quy mô lớn, có tính minh bạch cao và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế – điều vốn được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ vốn của các quỹ ngoại.
Trong bối cảnh đó, việc dòng vốn ngoại tiếp tục rút đi là điều không quá bất ngờ. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn cơ hội để xoay chuyển tình thế nếu đẩy nhanh các cải cách cấu trúc, cải thiện tính minh bạch, và tạo ra thêm hàng hóa đầu tư chất lượng.
Động lực "hút" vốn ngoại trở lại
Mặc dù dòng vốn ngoại đang trong xu hướng rút ròng kéo dài, nhiều yếu tố mới đang dần định hình và được kỳ vọng sẽ giúp đảo chiều dòng vốn này, qua đó nâng cao sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Trước hết, nội lực kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục là nền tảng quan trọng. GDP quý I/2025 tăng trưởng mạnh mẽ 6,93% – mức cao nhất trong vòng 5 năm. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định và cán cân thương mại duy trì thặng dư tạo nên bức tranh vĩ mô tích cực, góp phần duy trì niềm tin vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Song song đó, kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết cũng là điểm cộng đáng chú ý. Doanh thu và lợi nhuận được cải thiện rõ rệt trong quý đầu năm, kết hợp với mặt bằng định giá cổ phiếu hiện tại vẫn ở mức hấp dẫn, đang mở ra cơ hội đầu tư dài hạn tốt cho khối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường lớn khác đang dần trở nên đắt đỏ.
Hệ thống KRX sẽ là đòn bẩy kỹ thuật lớn giúp thị trường Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giao dịch. Ảnh minh họa.
Một trong những yếu tố có tính bước ngoặt là hệ thống công nghệ thông tin mới KRX sẽ chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025. Đây được kỳ vọng là đòn bẩy kỹ thuật lớn giúp thị trường Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giao dịch.
Theo ông Lee Dong Won, Giám đốc Khối Công nghệ của Chứng khoán Mirae Asset, việc triển khai hệ thống KRX sẽ tạo điều kiện để áp dụng các giải pháp giao dịch hiện đại như T+0, bán chứng khoán chờ về, bán khống và hợp đồng quyền chọn. Những sản phẩm này không chỉ làm tăng thanh khoản thị trường, mà còn nâng cao tính chuyên nghiệp, đa dạng hóa công cụ đầu tư, yếu tố quan trọng được nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm.
Mirae Asset đánh giá rằng nếu các sản phẩm tài chính mới này được triển khai đồng bộ, thanh khoản thị trường Việt Nam có thể tăng gấp 2-3 lần hiện tại, qua đó mở rộng quy mô và độ sâu cho thị trường.
Không dừng lại ở đó, triển vọng nâng hạng thị trường đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Các chuyên gia dự báo rằng Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường thu hút khoảng 6 tỷ USD dòng vốn thụ động từ các quỹ ETF và nhà đầu tư theo dõi chỉ số.
Theo Mirae Asset, việc được nâng hạng sẽ không chỉ tạo cú hích về dòng vốn, mà còn giúp thị trường Việt Nam được định giá lại theo tiêu chuẩn quốc tế, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, hai điểm mạnh mà Việt Nam đang sở hữu nổi bật so với nhiều thị trường khác.
Với loạt yếu tố tích cực từ vĩ mô, cải cách hạ tầng, đến cơ hội nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ sở vững chắc để kỳ vọng vào sự quay trở lại của dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Lần này là một dòng vốn có tính chiến lược và bền vững hơn.
Thanh Thắng