Vốn ngoại và sức hút Việt Nam

Vốn ngoại và sức hút Việt Nam
một ngày trướcBài gốc
Khối ngoại mua ròng hơn 5.100 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu tháng 5/2025
Ai đến vẫn đến
Chiều ngày 21/5/2025, tại Hưng Yên đã diễn ra lễ khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái và sân golf Trump International Hưng Yên. Dự án này có quy mô 990 ha, vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, do Tập đoàn Trump Organization và Công ty Hưng Yên (thành viên của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - KBC) hợp tác triển khai.
Trong bối cảnh bất ổn thuế quan từ Mỹ và nỗi lo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng vẫn hiện hữu, việc dự án 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư Mỹ được khởi công xây dựng là một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận.
Tại lễ khởi công dự án, ông Eric Trump, Phó chủ tịch Tập đoàn Trump Organization đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng động và tiềm năng bậc nhất thế giới.
Thông tin được ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tiết lộ, ngoài việc khởi công dự án ở Hưng Yên, phái đoàn Trump Organization còn có chuyến công tác thực địa hai địa điểm dự kiến tìm hiểu cho dự án Trump Tower tại TP.HCM trong tuần qua.
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch, các tập đoàn lớn của Mỹ đang xúc tiến nhiều kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Excelerate Energy ký thỏa thuận hợp tác với PVGas, hướng tới biến Việt Nam thành trung tâm phân phối LNG khu vực ASEAN. Hay Lockheed Martin khẳng định cam kết với Việt Nam sau thành công của VINASAT-1 & 2, sẵn sàng tham gia dự án vệ tinh mới năm 2026; SpaceX (Starlink) cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD để phủ sóng Internet vệ tinh toàn quốc; Google xác định Việt Nam là trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Với những “người khổng lồ” châu Á như Samsung, không vì biến động thuế quan mà môi trường đầu tư Việt Nam mất đi sức hút. Tính đến năm 2024, tổng vốn đầu tư mà tập đoàn này cam kết tại Việt Nam đạt 22,4 tỷ USD. Hiện hơn một nửa số điện thoại thông minh toàn cầu của hãng này đang được sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ đóng vai trò trung tâm sản xuất, Việt Nam còn được Samsung lựa chọn làm “cứ điểm” phát triển công nghệ và nguồn nhân lực khu vực. Trung tâm R&D tại Hà Nội, với diện tích trên 11.500 m² là cơ sở nghiên cứu đầu tiên của tập đoàn này ở Đông Nam Á. Tập đoàn cũng cam kết duy trì vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam, nhằm mở rộng chuỗi cung ứng và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Trở lại với Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, trong tháng 5, một công ty con khác của Kinh Bắc là SHP Hải Phòng đã khởi công dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, với quy mô hơn 200 ha. Ngay tại sự kiện, nhiều nhà đầu tư đến từ châu Á đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc thuê đất.
Tại Bắc Ninh, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc mới nhận giấy phép đầu tư Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng giai đoạn 3 với hơn 200 ha. Theo quy hoạch, khu đất này có thể phát triển khu đô thị nhưng doanh nghiệp nhận thấy triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh rất mạnh mẽ nên đã xây dựng khu công nghiệp để kịp đón đầu làn sóng lớn.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và là con số giải ngân cao nhất trong 4 tháng đầu năm của giai đoạn 5 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm hút vốn đăng ký mới, với 3,39 tỷ USD (chiếm 60,6%), theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản, với 1,51 tỷ USD (chiếm 26,9%).
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tổng vốn đăng ký chủ yếu được thúc đẩy bởi vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, đã có 540 lượt dự án hiện hữu đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 6,4 tỷ USD - một con số ấn tượng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng diễn ra sôi động, với 1.106 lượt, tổng giá trị góp vốn đạt 1,83 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Từ thông điệp đến hành động
Với những lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam vẫn có sức hút đáng kể với dòng vốn nước ngoài. Ngày 22/5, Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc) đã công bố mua lại 64,81% cổ phần của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) với giá chuyển nhượng là hơn 5.730 tỷ đồng (tương đương hơn 219,1 triệu USD). Theo đó, mỗi cổ phiếu IMP được bán với giá 57.400 đồng, cao hơn 13,4% so với thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cùng thời điểm. Lô cổ phần chi phối này Tập đoàn Trung Quốc mua lại từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Sau giao dịch, Livzon Pharmaceutical Group trở thành cổ đông lớn nhất của Imexpharm. Theo sau là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm - DVN) với tỷ lệ sở hữu 22,04%.
Thương vụ này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có vị thế nổi bật trong ngành vẫn là đích ngắm của không ít nhà đầu tư nước ngoài. Giới tư vấn cùng chia sẻ thông tin hiện Tập đoàn Pacific (Trung Quốc) đang muốn thực hiện nhiều thương vụ M&A.
Dù vậy, theo bà Vương Thị Huyền, Tổng giám đốc Fast Capital, “có một thực tế khó khăn trong việc đạt được các phê duyệt từ cơ quan quản lý nhà nước trong các thương vụ M&A quy mô lớn”. Đây cũng là lý do khiến dòng chảy vốn FII chiến lược vào Việt Nam bị chậm lại. Câu chuyện của BB Power Holdings (BBPH), thuộc hệ sinh thái Bitexco, là một ví dụ.
Trong một văn bản gửi các nhà đầu tư trái phiếu, công ty này cho biết, sau khi ký hợp đồng mua bán cổ phần (SPA) và thỏa thuận cổ đông (SHA) với các nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần các công ty, dự án năng lượng vào tháng 9/2023, BBPH đã lần lượt gửi hồ sơ xin chấp thuận M&A cho các dự án đến cơ quan quản lý các tỉnh nơi BBPH có dự án nhà máy điện và được các đơn vị này tiếp nhận, xử lý hồ sơ từ quý I/2024.
Ngày 15/10/2024, BBPH và các bên liên quan đã nhận được phê duyệt về việc chấp thuận M&A cho dự án năng lượng đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến nay, các dự án năng lượng tái tạo còn lại vẫn chưa nhận được phê duyệt về việc chấp thuận M&A và vẫn đang trong quá trình thẩm định, soát xét của các cơ quan chức năng.
BBPH cho rằng, quá trình thực hiện M&A các dự án năng lượng gặp không ít rào cản từ việc phê duyệt chấp thuận bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài với quy trình và thủ tục phức tạp, phải thông qua hầu hết các sở, ngành của địa phương và các bộ, ngành của Trung ương. Trong khi đó, kết luận thanh tra số 1027/KL-BCT ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình năng lượng tái tạo gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư.
Loạt chính sách mới tại Việt Nam đang khẳng định nỗ lực tự lực, tự cường của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, thị trường thế giới ngày càng phẳng, đòi hỏi sự hợp tác, hợp lực toàn cầu. Trên thực tế, vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, việc thích ứng với các thay đổi địa kinh tế - chính trị trên thế giới, đa dạng hóa dòng vốn, cơ cấu vốn tiếp tục là nhu cầu cấp thiết với Việt Nam.
Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, xét về đối tác, 4 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới tại Việt Nam, với 1,6 tỷ USD (chiếm 28,6%). Tiếp đến là Trung Quốc, với 1,52 tỷ USD (27,1%) và Nhật Bản, với 573,2 triệu USD (10,3%).
Việc mở rộng dòng vốn đầu tư từ Mỹ và châu Âu vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức và một số quốc gia khác, vẫn ở mức khiêm tốn, mỗi nước chỉ chiếm dưới 2% tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tháo gỡ những rào cản về chính sách, thủ tục hành chính sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn, dòng vốn vào Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn và đa dạng “quốc tịch” hơn.
Anh Việt
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/von-ngoai-va-suc-hut-viet-nam-post369935.html