Vốn vay ưu đãi - 'Đòn bẩy' thoát nghèo

Vốn vay ưu đãi - 'Đòn bẩy' thoát nghèo
7 giờ trướcBài gốc
Kịp thời nắm bắt, thiết thực hỗ trợ
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Giang (SN 1974) ở thôn Đức Hiệu, xã Cao Xá thuộc hộ nghèo. Không có việc làm ổn định lại nuôi 2 con ăn học nên gia đình bà luôn thiếu trước hụt sau, nhất là mấy năm bà bị bệnh thì càng khó khăn. Tuy có ruộng, vườn rộng song thiếu vốn đầu tư, vợ chồng bà loay hoay không biết làm thế nào để phát triển kinh tế.
Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình bà Nguyễn Thị Giang (ngoài cùng bên phải) phát triển chăn nuôi, trồng bưởi nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Nắm bắt hoàn cảnh hội viên, năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện cho gia đình bà Giang vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư nuôi bò, gà kết hợp thả cá. Nhờ tích cực học hỏi, ứng dụng kỹ thuật nên việc chăn nuôi hiệu quả giúp thu nhập tăng lên. Sức khỏe dần cải thiện, bà Giang chăm chỉ vun xới hơn 200 cây bưởi trên diện tích ruộng, vườn.
Bà Giang cho biết: "Do chú ý chọn lựa giống cây, con tốt và chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chất lượng tốt, tiêu thụ thuận lợi, tiểu thương đến tận nhà thu mua. Mỗi năm, khoản thu từ vườn bưởi và ao cá, đàn gà đạt hơn 100 triệu đồng giúp gia đình trả hết nợ ngân hàng. Năm ngoái, sau khi ra khỏi diện nghèo, tôi tiếp tục được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất”.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cao Xá có động lực phát triển kinh tế. Ông Đỗ Văn Công, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ và giao cho các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được vay vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Hằng năm, xã phối hợp tổ chức 8-10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 2%, thấp hơn mức bình quân của huyện, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước”.
Cùng với xã Cao Xá, nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo trong huyện thay đổi cuộc sống. Nhờ 100 triệu đồng vay với lãi suất ưu đãi, 3 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Chi, thôn Đồng Lạng, xã Lam Cốt đầu tư chăn nuôi có hiệu quả. Mỗi lứa, gia đình chị nuôi 30- 40 con lợn thịt, 2-3 con bò mang lại thu nhập đáng kể. Cũng được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện, hộ cận nghèo Kim Thị Thủy, thôn Hương, xã Liên Chung trồng hơn 1 nghìn m2 sâm Nam đã cho thu hoạch giúp cải thiện cuộc sống.
Giải pháp chống tái nghèo
Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ người dân vốn đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân hơn 479 tỷ đồng cho gần 8 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay. Trong đó gần 2 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay hơn 187 tỷ đồng đầu tư chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Những năm gần đây, mức vay ưu đãi đã được nâng lên, tối đa là 100 triệu đồng/hộ, giải ngân nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ vậy, các hộ có điều kiện mua sắm vật tư, thiết bị, máy móc, cây, con giống để sản xuất phù hợp với lợi thế địa phương.
Cán bộ Hội Nông dân xã Quế Nham nắm bắt hoàn cảnh, kế hoạch sản xuất của hộ nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể địa phương là: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên ủy thác, hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, đưa vốn vay ưu đãi của chính phủ đến đúng đối tượng. Quan tâm phổ biến, hướng dẫn các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi; việc thu lãi, trả nợ gốc được thực hiện kịp thời.
Đơn cử như Hội Nông dân huyện hiện quản lý 109 tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 3,5 nghìn khách hàng, dư nợ gần 171 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Chung cho biết: Sau khi rà soát, nắm bắt số hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hội đã liên hệ, bảo lãnh để hội viên được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH và hướng dẫn sử dụng đúng mục đích. Đồng thời tập huấn kỹ thuật, vận động, kết nối hình thành các tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phân bón, thuốc phòng dịch bệnh; giới thiệu tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ năm 2022 đến nay có gần 2,4 nghìn hộ trên địa bàn huyện thoát nghèo, cận nghèo. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 đến gần 2% giúp hộ nghèo của huyện hiện còn 2,21%, cận nghèo 3,4%. Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách tạo điều kiện cho các hộ mới thoát nghèo vay vốn để duy trì, mở rộng mô hình sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định, chống tái nghèo.
Năm 2024, huyện Tân Yên phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1,4%. Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện, bà Vũ Minh Tâm, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết ngân hàng tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân trên địa bàn. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác bình xét, bảo đảm nguồn vốn vay đến đúng đối tượng. Thường xuyên tổ chức lồng ghép các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư đối với hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng vay vốn. Với đặc thù địa bàn, ngân hàng sẽ tập trung cho vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/von-vay-uu-dai-don-bay-thoat-ngheo-092306.bbg