Tại vòng đàm phán mới nhất tại Rome cuối tuần qua, các phái đoàn Mỹ và Iran đã nhất trí chuyển sang giai đoạn thảo luận tiếp theo nhằm xây dựng khuôn khổ cho một thỏa thuận hạt nhân công bằng, trong đó đảm bảo và ràng buộc việc nước CH Hồi giáo tuyệt đối không theo đuổi vũ khí hạt nhân, được dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt và được phép duy trì năng lực phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hai bên sẽ khởi động các cuộc đàm phán kỹ thuật cấp chuyên viên tại Oman vào ngày 23/4.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (trái) và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông Steve Witkoff, hai quan chức tiến hành đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran tại Oman. Ảnh: IRNA/TTXVN
Việc Mỹ và Iran duy trì các vòng đàm phán gián tiếp cho thấy cánh cửa ngoại giao vẫn rộng mở, dù các rào cản về lòng tin, chính sách và lợi ích vẫn còn rất lớn. Phía Tehran tuyên bố sẵn sàng thảo luận về việc hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế, như Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian nhấn mạnh Iran sẵn sàng đi đến thỏa thuận với Mỹ với điều kiện các lợi ích quốc gia của Tehran được đảm bảo. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định ông ưu tiên giải pháp ngoại giao hơn là hành động quân sự đối với Iran.
Ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), nhận định Mỹ và Iran đã có một sự khởi đầu tốt đẹp nhất có thể. Hai bên đã gặp trục trặc, nhưng đã đồng ý gặp lại và thống nhất về mục tiêu cuối cùng. Ông Vali Nasr, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Phía Iran đã chuẩn bị cho một cuộc gặp không chỉ để phá băng, mà còn với kỳ vọng phá vỡ thế bế tắc với Mỹ, và quan trọng nhất là để nghe trực tiếp giới hạn thực sự của Mỹ là gì….”
Các cuộc đàm phán Mỹ - Iran có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Đây là cơ hội hiếm có để Mỹ và Iran giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại thay vì đối đầu. Kết quả của các cuộc đàm phán sẽ có ý nghĩa to lớn đối với an ninh toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân.
Về quan điểm của Mỹ, Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận tốt hơn Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, bao gồm cả việc hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và các hoạt động khu vực. Gần đây, có dấu hiệu cho thấy Washington có thể linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận, tập trung vào việc đóng băng và giám sát chương trình hạt nhân hiện tại của Tehran, thay vì yêu cầu giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Còn phía Iran khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình và họ có quyền làm giàu uranium theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Iran muốn Mỹ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đã được áp đặt sau khi rút khỏi JCPOA. Tehran cũng muốn có sự đảm bảo rằng Mỹ sẽ không đơn phương rút khỏi bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.
Có một số yếu tố thúc đẩy hai nước nối lại đàm phán hạt nhân. Thứ nhất là cả Mỹ và Iran đều có thể nhận ra rằng một cuộc xung đột trực tiếp sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả hai bên và khu vực. Đàm phán có thể là một cách để hạ nhiệt căng thẳng. Thứ hai là các lệnh trừng phạt đã gây ra những khó khăn kinh tế đáng kể cho Iran, tạo động lực để nước này tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ, có thể dẫn đến việc nới lỏng trừng phạt. Thứ ba là có sự tham gia tích cực của các bên trung gian, như Oman và Italy trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán gián tiếp, giúp thu hẹp bất đồng.
Bà Sanam Vakil, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở London (Anh), nhận định Iran đang “oằn mình” dưới áp lực của các lệnh trừng phạt kinh tế. Điều mà nước này tìm kiếm là việc nới lỏng trừng phạt bền vững, và Tehran tin rằng Tổng thống Trump có lẽ có thể mang lại. Trong khi đó, ông Gregory Brew, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group chuyên về quan hệ Mỹ - Iran, đánh giá các lệnh trừng phạt được áp đặt từ năm 2018 không gây ra sự sụp đổ đột ngột, mà là sự bóp nghẹt từ từ đối với hoạt động kinh tế của Iran.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cũng vấp phải một số khó khăn. Một là hai bên có mức độ tin cậy thấp. Nhiều năm đối đầu và các hành động thù địch đã làm xói mòn lòng tin giữa Mỹ và Iran. Cả hai đều nghi ngờ về ý định thực sự của bên kia. Hai là Mỹ muốn giải quyết các vấn đề khác như chương trình tên lửa của Iran và vai trò của nước này trong khu vực, điều mà Tehran kiên quyết từ chối đưa vào đàm phán hạt nhân. Ba là áp lực chính trị trong nước. Cả chính quyền đương nhiệm tại Mỹ và Iran đều phải đối mặt với áp lực từ các phe phái cứng rắn trong nước, những người phản đối bất kỳ thỏa hiệp nào. Tiếp đến là ảnh hưởng của các bên thứ ba. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Israel, có thể gây áp lực với Washington để ngăn chặn Mỹ - Iran đạt được một thỏa thuận mà Tel Aviv cho là không đủ mạnh. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua khả năng thay đổi chính quyền ở Mỹ. Một thỏa thuận có thể bị chính quyền Mỹ trong tương lai hủy bỏ, như đã xảy ra với JCPOA. Iran muốn có sự đảm bảo rằng điều này sẽ không lặp lại.
Kết quả các cuộc đàm phán Mỹ - Iran sẽ có tác động sâu rộng đến quan hệ song phương và cục diện khu vực Trung Đông. Một thỏa thuận thành công sẽ đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran được giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến việc mở ra cơ hội đối thoại trong tương lai giữa hai bên. Tuy nhiên, sự ngờ vực sâu sắc có nghĩa là quan hệ khó có thể trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Nếu đàm phán thất bại, căng thẳng có thể leo thang trở lại, thậm chí có nguy cơ xung đột.
Đối với cục diện khu vực Trung Đông, một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Iran cũng có thể giúp giảm bớt căng thẳng, đặc biệt là ở các điểm nóng như Yemen, Syria và Iraq, nơi Mỹ và Iran có các lực lượng ủy nhiệm đối đầu nhau.
Hiện tại, các cuộc đàm phán Mỹ - Iran vẫn đang ở giai đoạn đầu và đối mặt với nhiều thách thức lớn. Việc Mỹ và Iran quay trở lại bàn đàm phán là một dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả cuối cùng.
Có nhiều khả năng là các cuộc đàm phán gián tiếp, có thể thông qua sự trung gian của Oman hoặc các quốc gia khác, sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, do mức độ ngờ vực cao và các vấn đề phức tạp cần giải quyết, tiến trình đàm phán có thể sẽ diễn ra chậm và gặp nhiều trở ngại.
Nếu cả hai bên đều linh hoạt, Mỹ và Iran có khả năng đạt được một thỏa thuận giới hạn, tập trung vào việc đóng băng và giám sát chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng một số lệnh trừng phạt. Trong trường hợp không có sự nhượng bộ đáng kể từ cả hai phía hoặc nếu căng thẳng khu vực leo thang, các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ, dẫn đến nguy cơ đối đầu gia tăng.
Theo bà Vakil, nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, Iran sẽ muốn có sự đảm bảo rằng thỏa thuận sẽ bền vững và mang lại cam kết thương mại một cách có ý nghĩa và lâu dài. Mỹ cũng sẽ muốn biết Iran có thể cung cấp những đảm bảo gì cho an ninh của Israel và sự ổn định của khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Bà kết luận: "Một thỏa thuận phải cùng có lợi, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều sự tin cậy và trách nhiệm giải trình trong suốt quá trình – điều mà cả hai bên hiện không có".
Tình hình vẫn rất phức tạp và khó đoán định. Tuy nhiên, với việc cả Mỹ và Iran đều đánh giá là “tích cực” và “mang tính xây dựng”, các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp vừa qua tại Oman và Italy được xem là một bước tiến trong việc đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên. Điểm mấu chốt là việc quay trở lại lộ trình ngoại giao sau những căng thẳng leo thang suốt nhiều tháng gần đây đang tạo cơ hội để hai bên xây dựng lại lòng tin và điều chỉnh lại quan hệ.
Dương Hoa (PV TTXVN tại Italy)