Vòng khóa siết ngón tay bé trai, gia đình cưa cửa mang đến viện

Vòng khóa siết ngón tay bé trai, gia đình cưa cửa mang đến viện
5 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ của Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận bé trai trong tình trạng ngón tay sưng nề, bầm tím, có vòng kim loại siết chặt ở gốc ngón, gây đau đớn và hạn chế vận động. Dị vật là một vòng móc khóa bằng kim loại, kẹt cứng và không thể tháo rời bằng tay.
Theo lời kể của gia đình, khoảng 2 giờ trước khi nhập viện, bé chơi đùa và cho tay vào vòng khóa cửa. Sau đó, bé không thể rút tay ra được. Do không có người lớn ở nhà, bé bị mắc kẹt trong khoảng 1 giờ cho đến khi bố trở về. Gia đình đã cố gắng tháo vòng nhưng không thành công, buộc phải cưa cả khối cửa, mang theo trẻ và dị vật đến bệnh viện.
Hình ảnh móc khóa sau khi được tháo khỏi ngón tay. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ ghi nhận, vòng sắt siết chặt quanh gốc ngón III (ngón giữa), ngón tay sưng to, kích thước gấp 1,5 lần so với bình thường, có hiện tượng ứ máu tĩnh mạch, da quanh ngón bị trầy xước do những nỗ lực tháo gỡ trước đó.
Đây là trường hợp nguy hiểm do máu động mạch vẫn lưu thông lên ngón nhưng máu tĩnh mạch không thoát ra được, khiến ngón tay sưng nề nhanh chóng. Nếu không được xử lý kịp thời, việc tháo vòng sẽ ngày càng khó khăn, nguy cơ hoại tử ngón do thiếu máu hoàn toàn là rất cao.
Ngay lập tức, ê kip cấp cứu phối hợp với bác sĩ Ngoại khoa hoàn tất thủ tục và đưa trẻ vào phòng mổ khẩn cấp. Dưới gây mê tĩnh mạch và gây tê vùng, trẻ được tiến hành lấy dị vật bằng kỹ thuật chuyên biệt: giảm sưng chủ động, sử dụng dụng cụ đặc hiệu và gel bôi trơn. Sau 20 phút, vòng sắt được tháo bỏ hoàn toàn mà không gây thêm tổn thương. Tuần hoàn ngón tay trở lại bình thường, vận động linh hoạt.
Hai giờ sau phẫu thuật, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt ổn định và được ra viện trong ngày. Qua theo dõi sau 24 giờ, ngón tay phục hồi tốt, không có dấu hiệu tổn thương chức năng.
Đây là một ca cấp cứu thành công nhờ trẻ được đưa đến bệnh viện sớm và được xử trí kịp thời, chính xác. Nếu chậm trễ, vòng kim loại có thể gây thiếu máu kéo dài, dẫn đến hoại tử, mất chức năng ngón tay, thậm chí cần can thiệp phẫu thuật phức tạp hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ gặp tai nạn như kẹt ngón tay, bị dị vật siết chặt tay, chân hoặc bị bó bởi vật lạ, phụ huynh không nên tự ý xử lý bằng cách giật mạnh hoặc dùng lực tháo gỡ thô bạo, tránh gây thêm tổn thương mô. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí đúng chuyên môn.
Phan Thảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vong-khoa-siet-ngon-tay-be-trai-gia-dinh-cua-cua-mang-den-vien-169250522171554657.htm