Vòng xoáy bất ổn do thuế quan

Vòng xoáy bất ổn do thuế quan
4 giờ trướcBài gốc
Một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2025 của WB và IMF ở Washington, Mỹ ngày 22/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảm nhận rằng chính quyền của ông Trump vẫn còn mâu thuẫn và chưa nhất quán trong các yêu cầu đặt ra đối với các đối tác thương mại đang chịu ảnh hưởng bởi các loại thuế quan sâu rộng mà Mỹ áp đặt.
Trong suốt tuần làm việc bận rộn, nhiều bộ trưởng tài chính và thương mại đã cố gắng gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và các quan chức chủ chốt khác trong chính quyền Tổng thống Trump, nhưng không thành công. Thực tế, không một thỏa thuận nào được hoàn tất trong suốt tuần lễ hội nghị, bất chấp việc chính quyền ông Trump cho hay đã nhận được 18 đề xuất bằng văn bản và có một lịch trình đàm phán dày đặc.
Những cảnh báo rằng, các mức thuế quan (25% đối với ô tô, thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ và 10% đối với hầu hết các mặt hàng khác) sẽ gây ra thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, phần lớn đã bị các quan chức Mỹ phớt lờ.
Các cuộc đàm phán thương mại quan trọng nhất của chính quyền Tổng thống Trump trong tuần là với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng khi ông Bessent chỉ miêu tả các cuộc thảo luận với cả hai nước là "hiệu quả". Các mục tiêu cụ thể về tỷ giá đồng yen Nhật không được đề cập, nhưng chính sách tiền tệ của cả hai quốc gia dự kiến sẽ là một phần của các cuộc đàm phán trong tương lai, vì Mỹ coi việc đồng nội tệ yếu so với đồng USD là một rào cản phi thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
IMF có cái nhìn lạc quan hơn một chút về hậu quả kinh tế do các mức thuế quan cao nhất của Mỹ trong hơn một thế kỷ qua. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng cho hầu hết các quốc gia nhưng không đi đến mức dự đoán suy thoái, ngay cả đối với Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hiện đang đối mặt với mức thuế lên tới 145% của Mỹ đối với nhiều mặt hàng.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva thừa nhận rằng các quốc gia thành viên đang lo lắng về cú sốc bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, lạm phát và chiến tranh, nhưng bà vẫn hy vọng rằng các cuộc đàm phán thương mại sẽ giúp giảm bớt căng thẳng thuế quan.
Rủi ro nợ gia tăng
Ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành của Jubilee USA Network, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ giảm nợ, cho biết các dự báo của IMF rõ ràng nhằm mục đích ngăn chặn sự hoảng loạn trên thị trường, ngay cả khi các quan chức bày tỏ lo ngại về các cuộc khủng hoảng nợ mới nổi lên trong các cuộc họp kín.
Ông Reza Baqir, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Pakistan (Pa-ki-xtan), hiện đứng đầu bộ phận tư vấn nợ công tại Alvarez & Marsal, cho biết đối với nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Nam toàn cầu, có một cảm giác không mấy tích cực rằng chương trình nghị sự về tài chính cho phát triển không thực sự được coi trọng. Và ai sẽ là người đứng ra thúc đẩy cuộc tranh luận đó?
Nhà kinh tế trưởng của WB, ông Indermit Gill, cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức nợ gia tăng của các thị trường mới nổi, lưu ý rằng thuế quan đã gây ra sự suy giảm mạnh trong thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng của các nước đang phát triển.
Ông và các quan chức khác của WB và IMF đã khuyến nghị các quốc gia nên tự cắt giảm thuế quan của mình để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng.
Thách thức trên nhiều lĩnh vực
Các nhà hoạch định chính sách đã thở phào khi Bộ trưởng Tài chính Bessent bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với IMF và WB, tuyên bố rằng những tổ chức này có "giá trị lâu dài" nhưng cũng chỉ trích "sự lệch hướng nhiệm vụ" của các tổ chức này sang các vấn đề khí hậu, giới và bình đẳng.
Thay vì rút khỏi các thể chế này như đề xuất trong thông báo chính sách của đảng Cộng hòa, ông Bessent cho biết ông muốn các tổ chức này chú trọng trở lại vào các nhiệm vụ cốt lõi là ổn định và phát triển kinh tế, với việc mở rộng các lựa chọn tài trợ năng lượng của WB và chấm dứt các khoản vay cho Trung Quốc.
Phát biểu của ông Bessent rằng mức thuế cực cao giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể kéo dài đã mang lại hy vọng cho những người tham dự cuộc họp và thị trường tài chính rằng hai bên sẽ sớm có một thỏa thuận để hạ nhiệt căng thẳng thuế quan.
Trong khi có những hy vọng về việc giảm thuế quan như bình luận của ông Bessent, việc Trung Quốc nói rằng không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra như lời ông Trump nói đã khiến tình hình càng thêm khó đoán và làm các nước khác thêm lo lắng.
Ông Josh Lipsky, cựu cố vấn IMF, hiện là Giám đốc cấp cao của Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định tình hình kinh tế chung đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể diễn biến xấu đi. Một thách thức lớn đối với các nước phát triển vào lúc này là đợt bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ và các tài sản khác bằng đồng USD gần đây, điều này cho thấy sự sụt giảm lòng tin vào các chính sách kinh tế của Mỹ.
Vị thế thống trị của đồng USD dựa trên niềm tin vào sự lãnh đạo kinh tế của Mỹ. Nếu niềm tin này bị suy giảm, các quốc gia khác sẽ tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD, ngay cả khi điều đó khó khăn trong ngắn hạn do quy mô của kinh tế Mỹ.
Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/vong-xoay-bat-on-do-thue-quan-20250428134207339.htm