Cuồng phong thổi vào xung đột Nga - Ukraine
Vào ngày 17/11/2024, chính quyền Tổng thống Biden công bố cho phép Ukraine nã tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga. Đây là sự đảo ngược chính sách của ông Biden trong nhiều tháng trời. Động thái này mở đường cho Anh và Pháp làm điều tương tự. Với những sự thay đổi đó, quân đội Ukraine được phép phóng tên lửa ATACMS của Mỹ, Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp vào các căn cứ không quân, kho đạn dược và trung tâm chỉ huy nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Khói lửa xung đột Ukraine. Ảnh: Getty.
Nhưng khi Mỹ thực hiện gỡ rào vũ khí tầm xa như trên cho Ukraine, Mỹ biết rõ rằng Nga đã kip thời di chuyển nhiều mục tiêu tiềm tàng ra khỏi tầm bắn của những vũ khí trên. Hơn nữa, số lượng tên lửa ATACMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng rất khiêm tốn.
Hồi tháng 9, một quan chức trong chính quyền ông Biden đã tiết lộ với New Yorker rằng Ukraine không có đủ số lượng tên lửa cần thiết để duy trì một chiến dịch tập kích tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Như vậy, có thể động thái xoay trục chính sách của ông Biden về vũ khí tầm xa khó làm thay đổi được cục diện xung đột Nga - Ukraine. Lý do chính quyền Biden viện dẫn cho việc gỡ rào vũ khí tầm xa giúp Ukraine là cáo buộc có khoảng 10.000 quân Triều Tiên tham chiến ở Kursk. Vẫn quan chức nói trên cho hay, điều mà Mỹ lo ngại là sự có mặt của quân Triều Tiên ở Kursk có thể là bước đệm để Triều Tiên triển khai thêm một lượng quân lớn hơn nữa vào chiến trường Ukraine.
Bối cảnh Ukraine đang đều đặn mất thêm đất và nhuệ khí binh sĩ của họ đi xuống là những nhân tố nữa khiến Ukraine có thể xoay chuyển tình thế dù có dùng tới ATACMS và các tên lửa tầm xa khác để bắn vào lãnh thổ Nga.
Một nguồn tin quân sự Ukraine cho cho hay việc sử dụng ATACMS và những thứ tương tự chỉ “làm chậm đà tiến quân Nga” chứ không “thay đổi đáng kể” cục diện tình hình.
Quân đội Ukraine đang đối mặt với những vấn đề rất cơ bản: Huy động binh sĩ, huấn luyện, xây dựng và quản lý các đội hình quân sự mới, chỉ huy và kiểm soát.
Vẫn nguồn tin quân sự trên cho biết thêm: “Cái quyết định cục diện chiến trường rốt cuộc vẫn là bộ binh chứ không phải những quả tên lửa. Bộ binh mới là điều chúng tôi thiếu hụt nhất”.
Trong khi đó, ban lãnh đạo mới của EU tiếp tục ủng hộ Ukaine. Tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và quan chức hàng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Kaja Kallas đã tới Kiev vào ngày 1/12.
Trên mạng xã hội X, ông Costa viết: “Ngay từ ngày đầu tiên của xung đột Ukraine, EU đã sát cánh với Ukraine”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Costa tái khẳng định cam kết của EU muốn giúp đỡ Ukraine theo đuổi cuộc xung đột, bao gồm 4,4 tỷ USD hỗ trợ ngân sách Ukraine và 1,6 tỷ USD viện trợ mỗi tháng trích ra từ tải sản Nga bị đóng băng.
Lằn ranh đỏ mới của Nga có thể khác về chất so với các lần trước
Trên thực thế, “lằn ranh đỏ” của ông Putin trước đó đã bị vượt qua nhiều lần kể từ năm 2022, đầu tiên là HIMARS rồi đến F-16. Phản ứng của Nga trên thực địa trong các lần đó về cơ bản là không đáng kể.
Dẫu vậy, sự kiện gỡ rào ATACMS vẫn gây quan ngại cho chính quyền Nga như thường lệ. Tổng thống Nga Putin vẫn lo ngại xung đột Ukraine sẽ tiếp tục leo thang với sự hậu thuẫn của phương Tây.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, diễn biến leo thang lần này từ phía Mỹ có thể kéo theo những tác động khác hẳn với các lần trước. Tatiana Stanovaya - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nga Á-Âu Carnegie nhận định: “Về bề ngoài, dường như quyết định lần này của chính quyền Biden không đáng kể. Người ta có thể nghĩ rằng Ukraine không có nhiều tên lửa ATACMS nền sẽ khó thay đổi được bức tranh tổng thể. Nhưng đối với ông Putin, đây thực sự là bước ngoặt chiến lược. Theo ông Putin, giờ Ukraine đã trở thành nơi để NATO phát động những cuộc tiến công vào lãnh thổ Nga”.
Theo bà Stanovaya, Tổng thống Putin nhìn nhận rằng nay thì Ukraine có thể tập kích vào Kursk, tương lai họ có thể tập kích vào thẳng thủ đô Moscow, nếu không phải trong một năm nữa thì là 10 năm nữa.
Những phản ứng của Nga đều rất đáng chú ý: Vào ngày 19/11 (đúng 2 ngày sau khi Mỹ gỡ rào vũ khí cho Ukraine), điện Kremlin công bố phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân đã hạ xuống và số lượng kịch bản liên quan gia tăng.
Kế đó, ngày 21/11, Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm xa siêu vượt âm thế hệ mới (Oreshnik) vào thành phố Dnipro ở miền Trung Ukraine. Tên lửa này có năng lực mang đầu đạn hạt nhân.
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Putin đã phê chuẩn kế hoạch ngân sách, nâng mức chi tiêu quân sự năm 2025 lên mức kỷ lục.
Trong ngân sách Nga đăng tải trên website chính phủ nước này hôm 1/12, khoảng 32,5% được phân bổ cho quốc phòng, lên tới mức 13.500 tỷ rúp (tương đương trên 145 tỷ USD), cao hơn mức 28,3% của năm nay (2024).
Trong vòng khoảng 10 ngày qua, các nghị sĩ ở cả hai viện của Quốc hội Nga (Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang) đều đã phê chuẩn các kế hoạch ngân sách này.
Tất cả những diễn biến liên quan đến Mỹ, EU và Nga như trên khiến triển vọng xung đột Nga - Ukraine sớm chấm dứt như mong đợi của nhân dân thế giới cũng như cam kết của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục xa vời.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: NewYorker, Fortune