Vosco (VOS) 'chơi lớn'

Vosco (VOS) 'chơi lớn'
21 giờ trướcBài gốc
Vosco đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư 10 tàu mới
Giá cước có thể sẽ lập đỉnh mới
Kể từ đại dịch Covid-19 đến nay, giá cước vận chuyển bằng đường biển ở trong nước và các tuyến quốc tế có nhiều biến động. Giá cước bùng nổ năm 2020 - 2021 do tình trạng gián đoạn vận chuyển vì dịch bệnh, sau đó lao dốc trong giai đoạn 2022 - 2023. Từ cuối năm 2023 tới tháng 7/2024, giá cước bật tăng trở lại do lo ngại xung đột ở Biển Đỏ dẫn tới hành trình vận chuyển của nhiều tuyến quan trọng dài hơn. Chỉ số World Container Index (8 tuyến vận tải lớn trên thế giới) đạt đỉnh ngày 11/7/2024 ở mức 5.901 USD/container 40ft, tăng 329,3% so với cuối năm 2023 (1.384 USD/container 40ft). Từ tháng 6/2024 tới nay, giá cước có nhịp giảm 42,6% so với đỉnh, xuống 3.413 USD/container 40ft ngày 21/11/2024, nhưng vẫn ở vùng cao so với trung bình 5 năm qua.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, các đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump có thể khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ gia tăng trước khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực. Nhiều khả năng năm 2025 sẽ ghi nhận mức tăng đột biến về nhu cầu vận tải và giá cước trước khi Mỹ áp thuế nhập khẩu. Nguồn cung tàu đóng mới dự kiến tăng 5% so với tổng công suất đang hoạt động, nhưng mức tăng công suất vận tải không đáp ứng đủ nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Việc giá cước vận chuyển neo ở mức cao đã kéo theo giá đóng tàu mới và giá tàu cũ tăng so với giai đoạn năm 2018 - 2020. Không ít doanh nghiệp vận tải dù đã khai thác các tàu lâu năm nhưng khi thanh lý vẫn lãi lớn nhờ giá tàu cũ tăng đột biến.
Chẳng hạn, trong quý III/2024, Công ty cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, mã PDV) đã thanh lý tàu PVT Synergy, giúp khoản mục lợi nhuận khác ghi nhận hơn 154 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 chỉ là 4,8 tỷ đồng). Tương tự, Vosco ghi nhận thu nhập từ việc thanh lý tàu Đại Minh lên tới 393 tỷ đồng, nhờ đó thoát khỏi nguy cơ thua lỗ trong 9 tháng năm 2024 (lãi 9 tháng đạt 344,3 tỷ đồng).
Một số chuyên gia trong lĩnh vực vận tải nhận định, giá cước có thể lập đỉnh mới trong giai đoạn 2025 - 2026.
Kế hoạch đầu tư tàu của Vosco
Các hãng tàu trong nước thường đầu tư tàu theo giai đoạn, nhất là khi giá tàu giảm để hạ giá trung bình.
Vosco vừa thông qua kế hoạch đầu tư 10 tàu, bao gồm mua 2 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 - 58.000 DWT đã sử dụng dưới 15 tuổi; đóng mới 4 tàu cỡ Ultramax, trọng tải từ 62.000 - 66.000 DWT; đóng mới 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR, trọng tải khoảng 50.000 DWT.
Hiện tại, Vosco đang quản lý và khai thác 13 tàu, tổng trọng tải khoảng 420.000 DWT. Trong đó, tàu gần nhất mà Công ty đầu tư là tàu Vosco Sunrise, nhận bàn giao ngày 15/5/2013. Kể từ đó đến nay, Vosco chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém, không còn phù hợp với thị trường mục tiêu và hoạt động khai thác. Công ty chưa đầu tư thêm tàu do giai đoạn trước dịch Covid-19 có kết quả kinh doanh thấp, năng lực tài chính hạn chế nên không thu xếp được nguồn vốn để đầu tư hoặc thuê tàu.
Những năm gần đây, Vosco ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, tính đến 30/9/2024 có quỹ tiền mặt 1.495,1 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng tài sản và chưa sử dụng nợ vay. Tuy nhiên, nếu đầu tư và mua mới 10 tàu, với giá thị trường tàu dầu sản phẩm cỡ MR khoảng 52 triệu USD/tàu, tàu Ultramax có giá 40 triệu USD/tàu và mua lại tàu sử dụng dưới 15 tuổi Supramax có giá 23 triệu USD, ước tính Vosco cần tổng vốn đầu tư 414 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng).
Về vấn đề tài chính để đầu tư tàu, ông Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vosco cho biết, doanh nghiệp đang thu xếp nguồn vốn đối ứng và đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính trong nước cũng như nước ngoài để tìm kiếm nguồn vốn vay phù hợp. Trong đó, Công ty đã nhận được văn bản cam kết tài trợ vốn của một số ngân hàng trong nước.
Thông thường, thời gian đóng tàu cỡ MR từ 18 - 24 tháng và thời gian đóng tàu Ultramax từ 20 - 30 tháng. Theo đó, nhanh nhất cũng phải cuối năm 2026, đầu năm 2027, Vosco mới có thể tiếp nhận các tàu mới.
"Chơi lớn"
Theo nhiều hãng tàu như Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT), Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã HAH), PVT Logistics…, chiến lược trẻ hóa đội tàu được bắt đầu bằng cách xác định giá tàu trung bình 10 năm và thực hiện đầu tư từng giai đoạn, tập trung vào giai đoạn giá tàu thấp, khi giá tàu tăng vẫn tiếp tục đầu tư vì tổng giá trị đầu tư cả đội tàu thấp hơn giá trung bình 10 năm, trong khi Vosco lại bất thường ra quyết định đầu tư ngay một đợt tới 10 tàu.
Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, giá tàu đóng mới thấp hơn trung bình 10 năm, cả PVTrans, PVT Logistics, Hải An đều đẩy mạnh đầu tư tàu nên khi giá tàu bật tăng trở lại trong hơn 3 năm gần đây, các hãng tàu này vẫn thực hiện đầu tư tàu mới.
Trong khi đó, hơn 11 năm qua, Vosco không đầu tư tàu mới. Hãng tàu này được thành lập từ những năm 1970, với mục đích là vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và xuất khẩu. Tàu hàng khô, cỡ nhỏ chủ yếu được Vosco đưa vào khai thác tuyến Đông Nam Á; tàu cỡ Handysize từ 20.000 - 30.000 DWR tập trung khai thác tuyến nội địa, Đông Nam Á và Trung Đông; tàu cỡ Handymax/Supramax chủ yếu tự khai thác tại khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc và các tuyến xa như Nam Mỹ, Tây Phi.
Hiện tại, đội tàu của Vosco có đội tuổi trung bình hơn 19 năm, trong đó tàu Fortune Navigator đóng năm 1998, tàu Fortune Freighter đóng năm 1997, tàu Vosco Star và tàu Vosco Sky đóng năm 1999, tàu Vosco Unity đóng năm 2004…
Nhìn chung, đội tàu của Vosco chủ yếu khai thác tuyến nội địa, nội Á, có lịch sử đầu tư lâu, quy mô tàu nhỏ, có dấu hiệu lỗi thời so với các hãng tàu lớn liên tục đầu tư tàu mới để trẻ hóa đội tàu. Đáng lưu ý, khách hàng có xu hướng sử dụng tàu có thân lớn, sức chứa cao để tăng hiệu quả vận hành, nên sức cạnh tranh của đội tàu Vosco không cao so với nhiều đối thủ, nhất là các hãng tàu quốc tế. Vì vậy, dù giá tàu đang cao nhưng Vosco vẫn quyết định đầu tư 10 tàu trong thời gian tới.
Duy Bắc
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/vosco-vos-choi-lon-post359113.html