Động lực tăng trưởng tín dụng từ cho vay BĐS
Ngân hàng VPBank (mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 11.229 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong đó, ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2025 đạt 10.695 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2024. Ở mảng chứng khoán, VPBankS báo lãi kỷ lục 900 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 80%. Mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit báo lãi 267 tỷ đồng trong nửa đầu năm so với mức lỗ ròng 707 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; hoàn thành 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Riêng mảng bảo hiểm báo lãi sụt giảm 6% so với cùng kỳ, đạt khoảng 230 tỷ đồng và hoàn thành khoảng 36% kế hoạch kinh doanh cả năm.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6/2025, dư nợ cho vay khách hàng tại VPBank đã tăng trưởng 18,8% so với đầu năm, vượt xa mức tăng hơn 10% cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh: T.D tổng hợp từ BCTC.
Tương tự giai đoạn 2-3 năm gần đây, động lực tăng trưởng tín dụng của VPBank trong 6 tháng đầu năm 2025 một phần đến từ đẩy mạnh cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS), bù đắp cho sự chững lại của dư nợ tài chính tiêu dùng tại FE Credit.
Cụ thể, tính đến hết quý II/2025, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS tại VPBank đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm và tương đương khoảng hơn 23% tổng dư nợ tín dụng hợp nhất. Cùng đó, cho vay cá nhân mua nhà tăng 16% so với đầu năm, đạt gần 109.000 tỷ đồng và tương đương 13% tổng dư nợ tín dụng hợp nhất.
Ngoài ra, tín dụng vào một số lĩnh vực như dịch vụ lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ...cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan.
Theo định hướng của ngân hàng, trong thời gian tới, VPBank dự kiến tiếp tục phân bổ tín dụng ở mảng cho vay cá nhân mua nhà, một phần do tỷ trọng dư nợ cho vay cá nhân mua nhà tại ngân hàng hiện tại vẫn còn thấp so với một số ngân hàng đối thủ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho hay ban lãnh đạo VPBank đánh giá BĐS là ngành kinh tế rất quan trọng đối với Việt Nam, đồng thời khẳng định ngân hàng đặc biệt coi trọng cho vay các dự án nhà ở để đáp ứng nhu cầu thực tế đang tăng cao.
SSI Research đánh giá những động thái huy động vốn gần đây, bao gồm việc huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD từ liên minh các định chế tài chính toàn cầu - trong đó có cổ đông chiến lược SMBC - hồi tháng 5 qua cho thấy VPBank có thể đang chủ động chuẩn bị cho việc mở rộng danh mục cho vay mua nhà trong ngắn hạn.
"Trong khi VPB chú trọng tăng trưởng tín dụng phân bổ đồng đều theo các ngành nghề trong các lĩnh vực của nền kinh tế, chúng tôi tin rằng lĩnh vực BĐS sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm 2025-2026 với nhiều dự án BĐS dân dụng và khu công nghiệp khu vực phía Bắc của các khách hàng doanh nghiệp lớn của VPB đang trong giai đoạn xây dựng và bán hàng", theo SSI Research.
Định hướng tăng trưởng tín dụng với động lực chính từ cho vay BĐS trong bối cảnh sự chững lại của "cánh tay" tài chính tiêu dùng FE Credit.
Kết thúc quý I/2025, dư nợ của FE Credit đạt khoảng 61.700 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Ước tính dựa trên báo cáo hợp nhất VPBank quý II cho thấy tại thời điểm kết thúc quý II, dư nợ cho vay của FE Credit gần như đi ngang, chưa có sự tăng trưởng đáng kể.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của FE Credit trong năm nay là 15%, tuy nhiên hầu hết dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng thực tế có thể đạt thấp hơn, khoảng 10% trong bối cảnh nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng của nhóm khách hàng là công nhân tại các khu công nghiệp - vốn chiếm khoảng 40% số lượng khách hàng của FE Credit hiện tại - có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng thương mại.
Chất lượng tài sản đối diện áp lực
Tại thời điểm 30/6/2025, báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy dư nợ xấu tại VPBank đạt gần 32.945 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với đầu năm, chủ yếu do nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng 19% và 25%. Trong đó, dư nợ xấu tại ngân hàng riêng lẻ đạt 21.030 tỷ đồng, còn lại là tại các công ty thành viên.
Theo VIS Rating, dư nợ xấu tại một số ngân hàng tư nhân như VPB, MBB, OCB, TPB, VIB đã tăng đáng kể ngay từ quý đầu năm từ mảng cho vay mua nhà cá nhân trong phân khúc mang tính đầu cơ hoặc liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn. Các chuyên gia đồng thời dự báo rủi ro tài sản tiềm ẩn gia tăng đối với một số ngân hàng như VPB, HBD, MBB do danh mục cho vay tài chính tiêu dùng cá nhân lớn trong bối cảnh diễn biến thuế quan của Mỹ dự báo tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Hiện dư nợ cho vay của nhóm bán lẻ và SME chiếm khoảng 53% tổng danh mục của VPBank, phần nào phản ánh đặc thù tệp khách hàng tập trung nhiều vào SME và khách hàng thu nhập thấp - nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế suy yếu. Chính sách thuế quan từ Mỹ do đó có thể trở thành yếu tố rủi ro chính với ngân hàng trong năm nay.
Trong các công ty thành viên, FE Credit được dự báo cũng chịu tác động với khoảng 45% khách hàng là người lao động thuộc các ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, … thuộc nhóm các lĩnh vực có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ thuế đối ứng.
Tại thời điểm kết thúc quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit đã tăng trở lại lên khoảng 21% (tức tăng 4 điểm % so với đầu năm) sau khi cải thiện đáng kể vào quý IV năm ngoái.
Tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit sau khi cải thiện vào quý IV/2024 đã tiếp tục tăng trở lại trong quý I/2025. Ảnh: BSC Research.
Điểm tích cực là dư nợ nhóm 2 trên báo cáo hợp nhất của VPBank đã ghi nhận giảm 42% từ đầu năm, chủ yếu do một số khoản cho vay khách hàng doanh nghiệp được chuyển trở lại nhóm nợ bình thường sau thời gian cơ cấu lại.
Theo ban lãnh đạo VPBank, nợ xấu ngân hàng sẽ được thể hiện phần nhiều trong nửa đầu năm do các khoản nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu (trong đó đóng góp chính vẫn là nợ xấu BĐS từ phân khúc bán lẻ, bao gồm các khoản vay mua nhà tại dự án của Novaland) trước khi được cải thiện trong nửa cuối năm.
Hồi cuối tháng 6 qua, cơ quan chức năng đã hoàn tất phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án thành phần gồm KĐT Aquacity và KĐT Aqua Waterfront City, theo đó dự án AquaCity của Novaland về cơ bản đã được gỡ vướng pháp lý. Diễn biến này góp phần củng cố triển vọng ổn định chất lượng tài sản ngân hàng từ nửa cuối năm 2025.
Về phía FE Credit, sau hơn 2 năm tái cấu trúc, công ty đã có những dấu hiệu phục hồi thể hiện ở kết quả kinh doanh có lãi trở lại cùng với việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn dựa trên tập trung vào tệp khách hàng chất lượng cao hơn, điều chỉnh cơ chế cho vay an toàn hơn. VDSC kỳ vọng cách tiếp cận lành mạnh hơn của FE Credit tới thị trường tài chính tiêu dùng sẽ góp phần củng cố tăng trưởng lợi nhuận vững chắc trong dài hạn, đồng thời giúp giảm dần tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng về khoảng 15% trong năm nay (từ mức 17,6% của 2024).
Diên Vỹ