Con số này không chỉ khẳng định khả năng mở rộng bảng cân đối của ngân hàng, mà còn cho thấy mức độ hấp thụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm và nhu cầu tiêu dùng phục hồi.
Tính riêng quý II/2025, VPBank báo lãi trước thuế hợp nhất 6.215 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Động lực chính đến từ ngân hàng mẹ, đóng góp tới 93% lợi nhuận, ghi nhận mức tăng trưởng 61% so với cùng kỳ. Hiệu quả này phản ánh hai yếu tố: (i) biên lãi ròng (NIM) vẫn được giữ ở mức cạnh tranh nhờ tệp khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh, hiện chiếm 42% tổng dư nợ; (ii) chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 29%, xuống 5.915 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận ròng sau trích lập bứt lên bất chấp chi phí hoạt động tăng 26%.
Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 11.229 tỷ đồng, thực hiện 44% kế hoạch năm (24.000 - 25.000 tỷ). Với quỹ thời gian còn lại, mục tiêu cả năm được đánh giá khả thi, nhất là khi các mảng kinh doanh mới như chứng khoán (VPBankS) và tài chính tiêu dùng (FE Credit) lần lượt mang về gần 900 tỷ và 270 tỷ đồng lợi nhuận, tín hiệu cho thấy hệ sinh thái tài chính của VPBank đang vận hành đồng bộ hơn.
Đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt 1,104 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, chỉ còn cách đích năm 1,13 triệu tỷ đồng chưa đầy 2,5%. Ngân hàng chính thức đứng trong nhóm ba NHTMCP tư nhân có quy mô “nghìn tỷ đô” (tức trên 1 triệu tỷ đồng), cùng Techcombank và MB.
Cơ cấu nguồn vốn cũng cải thiện đáng kể: huy động khách hàng vọt lên 600.774 tỷ đồng, tăng gần 24%, cao hơn mức tăng tín dụng. Nhờ đó, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được “nới” dư địa, đồng thời giảm áp lực phát hành giấy tờ có giá lãi suất cao. Vốn chủ sở hữu đạt 152.182 tỷ đồng, tăng 3,3%, củng cố bộ đệm an toàn vốn cho giai đoạn mở rộng tiếp theo.
Mặc dù tín dụng tăng tốc, tỷ lệ nợ xấu (NPL) chỉ nhích nhẹ lên 3,97%, thấp hơn mức 4,17% đầu năm. Đánh giá sơ bộ cho thấy nguồn phát sinh nợ chủ yếu nằm ở phân khúc tín dụng tiêu dùng; trong khi đó, nhóm SME và doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ xu hướng phục hồi sản xuất, dòng tiền được cải thiện nên chất lượng khoản vay dần lành mạnh. Việc trích lập dự phòng rủi ro giảm 2.400 tỷ đồng so với cùng kỳ cũng phản ánh ngân hàng đã xử lý, cơ cấu lại đáng kể các khoản nợ tồn đọng, đặc biệt tại FE Credit, đơn vị từng chi phối chi phí dự phòng quá khứ.
Quý II, thu nhập lãi thuần tăng 5,6% nhưng lợi nhuận thuần trước dự phòng “đi ngang” ở 12.130 tỷ đồng do chi phí hoạt động leo thang (tăng 26% lên 4.206 tỷ). Việc VPBank quyết liệt mở rộng mạng lưới và tăng 5% nhân sự lên 27.396 người nhằm phủ sóng khách hàng bán lẻ đã đẩy quỹ lương 6 tháng lên 5.265 tỷ đồng (+27%), đẩy chi phí bình quân đầu người lên 32,03 triệu đồng/tháng. Đây là khoản đầu tư tất yếu, nhưng nếu tốc độ chi vượt xa tốc độ tăng thu dịch vụ, biên sinh lời (ROE) có thể chịu sức ép trong những quý tới.
Dữ liệu ngành cho thấy, mặt bằng lãi suất VND đã chạm đáy và khó giảm thêm, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có dấu hiệu chững lại. Dẫu vậy, VPBank vẫn sở hữu dư địa nhờ (i) cơ cấu cho vay bán lẻ hưởng NIM cao; (ii) danh mục trái phiếu doanh nghiệp tái cơ cấu sớm; (iii) phí dịch vụ tăng khi VPBankS đẩy mạnh môi giới trái phiếu và chứng chỉ quỹ.
Nếu kiểm soát tốt chi phí, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 4% và khai thác dòng vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ngân hàng được kỳ vọng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng, đồng thời giữ vững vị thế ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất.
Mốc dư nợ tín dụng 842.000 tỷ đồng đánh dấu bước tiến của VPBank trong hành trình trở thành “ngân hàng bán lẻ hàng đầu”. Tuy nhiên, bài toán tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng tài sản sẽ là chìa khóa bảo đảm tăng trưởng bền vững.
(Chi tiết báo cáo tài chính đình kèm)
B.Minh