Khách hàng đến mua xăng dầu tại cửa hàng của Petrolimex. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 24/4 tới, giá xăng dầu có thể đảo chiều tăng 2,2 - 3,8% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể tăng 703 đồng (3,8%) lên mức 19.193 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể tăng 724 đồng (3,8%) về mức 19.574 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này cũng chung xu hướng tăng, cụ thể dầu diesel có thể tăng 2,2% lên mức 17.405 đồng/lít, dầu hỏa có thể tăng 2,3% về mức 17.575 đồng/lít, còn dầu mazut có thể tăng 2,8% lên mức 16.407 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng trong phiên 22/4 khi các nhà đầu tư tận dụng đà giảm của ngày hôm trước để đóng những lệnh bán khống. Tuy nhiên, những lo ngại về chính sách thuế quan và tiền tệ của Mỹ có thể gây áp lực lên nhu cầu nhiên liệu vẫn còn dai dẳng. Theo đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,6% vào lúc 14 giờ 20 phút (giờ Việt Nam) lên 66,68 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2025 tăng 0,7% lên 62,86 USD/thùng.
Theo ông Hiroyuki Kikukawa, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới đầu tư Nissan Securities Investment, thị trường đã có một số hoạt động đóng lệnh bán khống sau đợt bán tháo mạnh hôm thứ Hai. Tuy nhiên, ông Kikukawa cũng lưu ý rằng những lo ngại về một cuộc suy thoái tiềm ẩn do chiến tranh thuế quan gây ra vẫn còn dai dẳng nên giá dầu WTI có khả năng dao động trong phạm vi 55-65 USD/thùng trong thời gian tới.
Trước đó, từ ngày 19-21/4, giá dầu thế giới trong xu hướng giảm giá sau khi có các phiên đảo chiều tăng từ ngày 17-19/4 do nhiều nguyên nhân. Ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group, nhận định rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran có vẻ khá tích cực. Điều này cho thấy khả năng dầu thô của Iran sẽ không bị loại khỏi thị trường.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc lãi suất không được cắt giảm ngay có thể khiến nền kinh tế Mỹ chững lại. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ dầu có thể bị giảm sút khi Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+ vẫn dự kiến tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày từ tháng 5/2025.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng đã hạ dự báo giá trung bình của dầu Brent trong năm 2025 xuống còn 68 USD/thùng, giảm gần 17% so với mức 81,7 USD được đưa ra trong dự báo hồi tháng 9/2024. Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng ước tính giá dầu Urals, loại dầu chủ lực của Nga, sẽ ở mức 56 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức 69,7 USD mà nước này sử dụng để xây dựng ngân sách năm 2025.
Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN