Chiều 18-7, sau 5 ngày nghị án, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa ra phán quyết phúc thẩm vụ án hủy hoại rừng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba.
Theo đó, HĐXX không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 13-2-2025 của TAND huyện Krông Pa.
Cụ thể, ba bị cáo, gồm: Lê Hoàng Phúc (người được ủy quyền điều hành Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai) lãnh 3 năm 8 tháng tù; Lục Văn Khoa (Phó chỉ huy công trường của công ty) lãnh 2 năm 6 tháng tù và Lê Văn Tuyển (người ký hợp đồng liên kết trồng rừng) lãnh 2 năm 4 tháng tù, cùng về tội hủy hoại rừng.
Ba bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: LK.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ba bị cáo vẫn một mực kêu oan, không nhận tội mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Theo ba bị cáo, công ty đang thực hiện dự án trồng rừng theo chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai, chứ không hủy hoại rừng.
Đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo, cho rằng Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa (cũ) vi phạm phạm nghiêm trọng quá trình tố tụng.
Cụ thể, Cơ quan CSĐT đề nghị ngành chuyên môn định giá thiệt hại rừng, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã trả lời là không có đủ cơ sở tính toán khối lượng lâm sản thiệt hại.
Tuy nhiên, cơ quan này lại yêu cầu lập hội đồng định giá với ba thành viên của hai phòng Tài chính và Kinh Tế- Hạ tầng của huyện Krông Pa để định giá, trong khi những thành viên này “không có chuyên môn về lâm nghiệp” là không đúng quy định.
Theo luật sư, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng, trong khi thiếu cơ sở pháp lý xác định rõ 3 ha bị phát dọn là rừng, dẫn đến hàng loạt hệ lụy pháp lý kéo theo. Trong khi diện tích rừng xác định “bị hủy hoại” trong vụ án chỉ chiếm 0,03% trong tổng thể dự án trồng rừng có diện tích hơn 859 ha.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2017, Công ty Phúc Phong lập thủ tục trình UBND tỉnh Gia Lai thuê diện tích đất trồng rừng tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa cũ.
Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai chủ trì phối hợp với Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Krông Pa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (chủ rừng), UBND xã Chư Drăng cùng Công ty Phúc Phong và Công ty THHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn khảo sát, đo đạc hiện trạng đất thuê tại tiểu khu 1395, 1396 xã Chư Drăng với diện tích hơn 859 ha.
Bản án nêu, mặc dù chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất, chưa có quyết định cho thuê đất nhưng Công ty Phúc Phong căn cứ chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất và cho “phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng rừng trên phần đất lâm nghiệp chưa có rừng”.
Cụ thể, công ty này đã tiến hành phát dọn thực bì và trồng rừng (cây keo lai) theo tờ bản đồ do Công ty Nhật Tuấn lập. Tuy nhiên, bản đồ hiện trạng vị trí thuê đất do Công ty Nhật Tuấn xác định sai tại lô 3, khoảnh 3, Tiểu khu 1396 là đất chưa sử dụng (thực tế là đất có rừng tự nhiên).
Mặc dù biết 3 ha rừng nằm ở khu vực phía sau lán trại là rừng tự nhiên nhưng Lê Hoàng Phúc vẫn chỉ đạo, đôn đốc Khoa và Tuyển nhanh chóng phát dọn để lấy đất sản xuất.
Vị trí 3 ha rừng bị phá, phát dọn thực bì để trồng rừng trong vụ án.
Tháng 10-2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba phát hiện vụ việc và lập biên bản. Tháng 12-2018, Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng theo khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng xác định, diện tích rừng thiệt hại 3 ha, có khối lượng gỗ hơn 101 m3, tổng giá trị hơn 365 triệu đồng.
LÊ KIẾN