Vụ án Alibaba: Gần 4600 bị hại và thách thức đối với cơ quan Thi hành án dân sự

Vụ án Alibaba: Gần 4600 bị hại và thách thức đối với cơ quan Thi hành án dân sự
một ngày trướcBài gốc
Lãnh đạo Tổng cục THADS khảo sát thực tế tại các điểm phải thi hành án
Theo nội dung bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, Công ty Alibaba do Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, HĐXX tuyên phạt 23 bị cáo. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện phải chấp hành hình phạt tù chung thân, 22 bị cáo còn lại phải chấp hành hình phạt tù từ 6 - 30 năm.
Số lượng bị hại đạt con số kỷ lục, lớn nhất trong các vụ án hình sự về lĩnh vực bất động sản (4.548 người), với tổng số tiền chiếm đoạt trên 2.448 tỷ đồng.
Hơn 600 ngày sau khi bản án có hiệu lực, bước vào giai đoạn thi hành án là chừng đó thời gian ngành thi hành án căng thẳng, đánh vật với tiến độ mà vụ án vẫn chưa biết ngày kết thúc.
Khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp đã tạo ra nhiều áp lực, thử thách cho cơ quan THADS.
Tống đạt hàng tạ hồ sơ
Theo hồ sơ vụ án, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba, thành lập công ty với vốn điều lệ 1 tỷ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Sau đó, Luyện thực hiện các hành vi lừa đảo, cùng các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Trong vụ án này, riêng số giấy để in văn bản tống đạt thi hành án đã nặng hàng tạ (Ảnh: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Trần Thị Phương Hoa kiểm tra thực địa tại các địa phương phải thực hiện thi hành án trong vụ án Alibaba)
Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đồng phạm từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù. Sau đó Luyện và 14 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 19/5/2023, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.448 tỷ đồng cho các bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.
Tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, vụ án này trở thành tâm điểm của ngành THADS vì lượng dự án “ma” lớn nhất, số bị hại nhiều nhất. Theo đó, riêng tại Đồng Nai, Công ty Alibaba thành lập 9 công ty con và lập ra 37 dự án và nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 151 ha đất nông nghiệp. Trong đó, Cục THADS TP.HCM đã ủy thác xử lý tài sản tại huyện Xuân Lộc trên 75 ha (có 8 thửa đất với diện tích hơn 5,4 ha đã hết hạn sử dụng).
Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, đối với vụ Alibaba, Cục này đã ủy thác xử lý tài sản đến Chi cục THADS huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận 5 tài sản; đến Chi cục THADS huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) 19 tài sản và Chi cục THADS huyện Long Thành (Đồng Nai) 175 tài sản; ủy thác cho Chi cục THADS thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 248 tài sản.
Theo Cục THADS TP.HCM, lượng đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại trong vụ án địa ốc Alibaba quá lớn, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành; thành lập tổ tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, tổ chấp hành viên; thiết kế các phần mềm, biểu mẫu… Riêng việc tống đạt bản án, tiếp nhận yêu cầu trích lục bản án của các bị hại, phần phụ lục có tên, quyền lợi và các thủ tục pháp lý để căn cứ vào đó ra quyết định thi hành án thì lượng giấy tờ đã lên đến hàng tạ giấy. Ngoài ra, lượng chấp hành viên để thi hành các thủ tục cũng rất căng thẳng.
Nhiều thách thức
Ông Trần Bình Định, Chi Cục trưởng THADS huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết: “Chi cục THADS huyện Xuân Lộc xác định, trách nhiệm của đơn vị hết sức nặng nề vì việc xử lý tài sản liên quan đến vụ án Alibaba rất phức tạp, đông người, tài sản thi hành án có giá trị rất lớn và có thể kéo dài qua năm 2025. Cho nên, đơn vị đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện đơn vị đã gửi quyết định xử lý tài sản ủy thác cho 3.445 đương sự được thi hành án. Đối với những thư bị trả về, đơn vị đang rà soát và sẽ lập danh sách gửi cho các chi cục THADS nơi đương sự cư trú cuối cùng để phối hợp tống đạt, niêm yết theo quy định”.
Còn tại huyện Long Thành, có 175 thửa đất và hơn 585.000 m2 đất nông nghiệp nằm ở 6 xã: An Phước, Long Phước, Phước Thái, Phước Bình, Tân Hiệp và Bàu Cạn.
Đại diện Chi cục THADS Long Thành cho biết, qua kiểm tra các tài sản nhận ủy thác xử lý, có 9 trường hợp lệnh kê biên không trùng khớp số tờ, số thửa. Có 18 tài sản là đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng và qua trao đổi, các văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai không thể gia hạn được đối với các trường hợp này.
Chi cục THADS huyện Long Thành đã phối hợp Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh Long Thành, UBND các xã kiểm tra 100% hiện trạng quyền sử dụng đất; đo vẽ, cắm mốc được 85% diện tích; lập biên bản xác minh để làm cơ sở cho việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản theo quy định.
Các chi cục THADS cho biết, công tác xử lý tài sản liên quan đến vụ án của Công ty Alibaba trên địa bàn Đồng Nai vẫn gặp thêm nhiều khó khăn, vướng mắc như: kinh phí để thực hiện công việc còn khó; trên đất có khối lượng tài sản rất lớn và các loại tài sản như cây tràm, cây xà cừ, ngoài ra còn có trụ điện, nhà tạm, chuồng bò, giếng nước nhưng chưa thống nhất về tài sản trên đất giữa các cơ quan…
Bộ Tư pháp gửi văn bản đề nghị Đồng Nai phối hợp
Trước hàng loạt những vướng mắc về thi hành án vụ Alibaba, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi vừa có văn bản 6640/BTP – TCTHADS, gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ công tác THA.
Trong văn bản, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh, hiện cơ quan THADS đang tổ chức THA vụ án Nguyễn Thái Luyện xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (bản án hình sự phúc thẩm số 300/2023/HS-PT, của TAND Cấp cao tại TP. HCM.
Đây là vụ án lớn, có số người bị hại lên đến 4.548 người. Số tiền phải thi hành trên 2.448 tỷ đồng, tài sản đảm bảo ở nhiều địa phương. Riêng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, cơ quan THADS phải xử lý 224 tài sản, là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Để sớm tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc, tránh phát sinh điểm nóng, gây mất an ninh trật tự ở các địa bàn, ngày 13/6/2024 Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo một số sở, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp với cơ quan THADS trong việc xác minh, xử lý các tài sản đã kê biên.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai và các cơ quan tổ chức có liên quan khẩn trương phối hợp với cơ quan THADS trong việc thực hiện đo vẽ, xác định ranh giới các tài sản, cung cấp thông tin đối với các trường hợp tài sản có tăng hoặc giảm diện tích tại huyện Long Thành (Chi cục THADS huyện Long Thành phải xử lý 188 Quyền sử dụng đất, tuy nhiên, hiện nay chỉ có 1 nhân sự của Văn phòng đăng ký đất đai huyện Long Thành được phân công thực hiện công tác này).
Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND huyện Long Thành sớm thực hiện thu hồi điều chỉnh Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Lê Thanh Tòng để cơ quan THADS có cơ sở xử lý theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tư pháp thực hiện giám sát việc thẩm định giá, bán đấu giá đối với các tài sản kê biên xử lý trong vụ Alibaba trên địa bàn; Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh nộp hồ sơ đăng ký tham gia 2 đấu giá tài sản để nâng cao tính cạnh tranh trong việc bán đấu giá các tài sản trong thi hành vụ việc.
Tỉnh Đồng Nai cũng cần quan tâm hỗ trợ một số khoản kinh phí đặc thù cho việc tổ chức thi hành án như kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện; kinh phí hỗ trợ cho Tổ công tác chỉ đạo nghiệp vụ; kinh phí hỗ trợ cho Chấp hành viên, người giúp việc Chấp hành viên; chỉ khen thưởng đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong tổ chức thi hành án vụ việc.
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đồng Nai - Trịnh Ngọc Quỳnh cho biết hệ thống THADS tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp đã tạo ra nhiều áp lực, thử thách cho cơ quan THADS.
Đồng Nai là một trong những địa bàn trọng điểm với số lượng việc THADS phải giải quyết trung bình từ 27 đến trên 28 ngàn việc/năm và giá trị thi hành án về tiền phải giải quyết từ 5,5 đến trên 5,6 ngàn tỷ đồng/năm. Hơn nữa, Đồng Nai cũng là địa bàn phát sinh vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương theo dõi chỉ đạo như: vụ việc thi hành đối với vụ án Đào Ngọc Viễn cùng đồng bọn phạm tội “buôn lậu” và “nhận hối lộ”. Trong năm 2024, các cơ quan THADS tỉnh đã nhận ủy thác từ Cục THADS TP.HCM tổ chức thi hành vụ án liên quan Công ty CP Địa ốc Alibaba và nhiều án trọng tài thương mại do các địa phương khác ủy thác.
Kim Cương – Khánh Toàn
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/vu-an-alibaba-gan-4600-bi-hai-va-thach-thuc-doi-voi-co-quan-thi-hanh-an-dan-su-post537094.html