Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án xảy ra ở Tập đoàn Phúc Sơn. Tổng cộng có 41 bị can bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa - Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Trong vụ án này, Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn được xác định đã đưa hối lộ cho nhiều cựu quan chức ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi...để được trúng nhiều gói thầu không đúng quy định.
Nguyễn Văn Hậu và các bị can trong vụ án
Sau đó Hậu nhiều lần chuyển cho các công ty khác để thi công gói thầu, rồi thu lại tiền % khối lượng hoàn thành và tiền chênh lệch nguyên vật liệu. Trong vụ án này, Nguyễn Văn Hậu bị đề nghị truy tố về 3 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Tại Kết luận điều tra, Cơ quan chức năng cũng đề nghị xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ của Nguyễn Văn Hậu. Cụ thể, Hậu được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ, tố giác hành vi nhận hối lộ, giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất của vụ án.
Nguyễn Văn Hậu được đánh giá là tích cực tác động đến gia đình khắc phục hậu quả và tài sản thu giữ. Bản thân Hậu được ghi nhận có nhiều hoạt động an sinh xã hội, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người nghèo, gia đình có công với cách mạng.
Trong số các bị can, cựu Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành được đánh giá là người đã khắc phục hậu quả với số tiền lớn nhất. Cụ thể, ông Thành đã tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả là 25,5 tỷ đồng và 1,63 triệu USD (lớn hơn số tiền nhận hối lộ 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD). Ông Thành cũng được cơ quan điều tra đánh giá là có nhiều thành tích trong công tác và đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội. Gia đình có công với cách mạng.
Các bị can như Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc); Ngô Đức Vượng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ); Nguyễn Doãn Khánh (cựu Chủ tịch tỉnh Phú Thọ); Cao Khoa (cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi)... được đánh giá là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và đã tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả...
Cơ quan điều tra cũng đánh giá, riêng bị can Đinh Thị Thu Hương (cựu trưởng phòng Giá đất bồi thường tái định cư thuộc Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc) là người liên hệ với đơn vị thẩm định giá để xác định giá trị khu đất đúng với giá thị trường là 708 tỷ đồng, nhưng không được Hội đồng thẩm định chấp thuận, mà bị lãnh đạo Hội đồng thẩm định chỉ đạo, yêu cầu điều chỉnh giá xuống 507 tỷ đồng nên buộc phải thực hiện.
Võ Nam/VOV.VN