Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: LS Nguyễn Văn Quynh cung cấp
Vụ việc bé gái 14 tuổi bị tai nạn giao thông tại Vĩnh Long đúng vào ngày đầu tiên tới trường, 4/9/2024, hiện đang được quan tâm trở lại bởi một bi kịch khác, vừa xảy ra ngày hôm qua, 28/4/2025.
Trước đó, ngày 4/9/2024, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm bé gái N.N.B.T (sinh năm 2010) tử vong. Theo Bản Kết luận nguyên nhân và lỗi trong vụ tại nạn giao thông của Đội CSGT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, xác định tài xế xe tải biển kiểm soát 84C-102.77, ông Nguyễn Văn Bảo Trung, đã "vượt xe không đảm bảo an toàn" quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Ngày 26/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.
Ngày 17/1/2025, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã ký Quyết định Hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn.
Ngày 23/1/2025, Thượng tá Nguyễn Hoàng Văn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn, đã ký văn bản Thông báo Về việc cơ quan này đã Không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Không có sự việc phạm tội.
Ngày 28/4/2025, cha ruột của bé gái N.N.B.T là Nguyễn Vĩnh Phúc, 43 tuổi, đã tới nhà tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung, dùng súng tự chế bắn vào Trung, sau đó ông Phúc đã tự sát. Hiện thông tin mới nhất, sáng 29/4/2025, ông Phúc đã mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn tài xế Trung đang trong cơn nguy kịch.
Ngay khi nhận được thông tin, các luật sư thuộc Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM đã đưa ra các ý kiến xung quanh sự việc này.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM:
Sự ra đi bất ngờ của một đứa trẻ đã để lại nỗi mất mát quá lớn cho gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, điều khiến nỗi đau càng thêm sâu sắc là trong văn bản không khởi tố vụ án, cháu bé, nạn nhân thiệt mạng, lại bị xác định là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết.
Với tư cách là một luật sư và là người bảo vệ quyền trẻ em, tôi cho rằng cách sử dụng thuật ngữ pháp lý trong trường hợp này cần được xem xét thận trọng hơn, để đảm bảo phù hợp với tinh thần nhân đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về bảo vệ trẻ em.
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ rằng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp thực hiện tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không nằm trong các trường hợp đó. Do vậy, kể cả trong giả định rằng cháu N.N.B.T có sơ suất trong việc điều khiển phương tiện, hành vi của em cũng chỉ ở mức vi phạm hành chính, không thể bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội theo chuẩn mực của luật hình sự.
Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự và các giáo trình luật hình sự, hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là hành vi xâm phạm hoặc đe dọa trực tiếp đến lợi ích xã hội được pháp luật bảo vệ, do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có lỗi thực hiện. Khi một em học sinh đi đúng phần đường, bị xe tải lấn làn, vượt trong điều kiện không bảo đảm an toàn, dẫn đến hậu quả thương tâm, thì việc gán ghép cho em trách nhiệm hình sự cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên nguyên tắc nhân quả khách quan.
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC
Tai nạn xảy ra trên tuyến tỉnh lộ nhỏ, mặt đường chỉ khoảng 5 mét, không có làn đường phân định rõ ràng, lưu lượng phương tiện hỗn hợp. Trong bối cảnh như vậy, người điều khiển phương tiện cơ giới trọng tải lớn như xe tải có trách nhiệm đặc biệt trong việc kiểm soát tốc độ, chủ động quan sát và nhường đường nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối. Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 yêu cầu tài xế chỉ được phép vượt khi chắc chắn không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.
Thực tế hiện trường cho thấy xe tải lấn sang phần đường ngược chiều, không có dấu hiệu phanh kịp thời khi gặp tình huống nguy hiểm. Liệu hành vi vượt xe trong điều kiện đó có đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối theo quy định pháp luật hay không, là vấn đề cần được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan.
Nếu có lỗi hành chính từ phía nạn nhân như trong thông báo, thì việc đánh giá phải đặt trong mối tương quan tổng thể, không thể lấy lỗi nhỏ này làm che khuất bản chất chủ yếu của hành vi thiếu an toàn từ phía phương tiện cơ giới trọng tải lớn. Tuy nhiên, việc xác định lỗi và trách nhiệm cụ thể thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tố tụng hình sự.
Sử dụng cụm từ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trong một văn bản tố tụng, mà chưa phân tích đầy đủ hành vi, lỗi và mối quan hệ nhân quả, là điều cần được rà soát cẩn trọng để tránh gây tổn thương không đáng có cho gia đình nạn nhân.
Luật Trẻ em năm 2016 khẳng định quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm và quyền được đối xử công bằng của trẻ em, bao gồm cả khi các em đã không còn. Điều này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn giữ sự thận trọng tối đa trong cách đánh giá và diễn đạt liên quan đến trẻ em, nhất là trong những vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Qua vụ việc này, tôi kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm Viện KSND tối cao, Bộ Công an và Ủy ban Tư pháp Quốc hội, tiến hành rà soát độc lập toàn bộ vụ việc, đảm bảo quá trình điều tra và xử lý phải khách quan, toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ quyền trẻ em đã được pháp luật Việt Nam và quốc tế công nhận. Nếu phát hiện sai sót, cần thiết phải hủy bỏ các quyết định chưa phù hợp, phục hồi điều tra để bảo vệ sự công bằng tối thiểu cho nạn nhân.
Bảo vệ trẻ em không chỉ dừng lại ở việc nêu cao khẩu hiệu, mà phải được thể hiện rõ trong từng hành vi tố tụng, từng nhận định pháp lý và từng quyết định xử lý. Mỗi đứa trẻ, dù còn sống hay đã khuất, đều được đối xử bằng sự công bằng, lòng nhân ái và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Chi hội Phó Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM:
Qua nội dung đơn khiếu nại mà gia đình nạn nhân đã gửi, kèm theo tài liệu như biên bản giám định, lời khai nhân chứng, hình ảnh hiện trường…, rõ ràng có đủ dấu hiệu tội phạm theo luật định. Việc Cơ quan CSĐT huyện Trà Ôn ra Quyết định không khởi tố với lý do "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết", theo tôi là chưa phù hợp và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Hành vi tài xế lấn phần đường, va chạm trực tiếp dẫn đến tử vong nạn nhân (bé gái 14 tuổi), đã thỏa mãn dấu hiệu tội phạm tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, "Mọi hành vi có dấu hiệu tội phạm phải được phát hiện, khởi tố kịp thời." (Điều 36 BLTTHS). Và "Khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định khởi tố vụ án." (Điều 155 BLTTHS). Điều 6 và Điều 47 Luật Trẻ em 2016 quy định phải "Ưu tiên giải quyết quyền lợi tốt nhất cho trẻ em"; và "Cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, đặc biệt trong các vụ việc trẻ em bị xâm hại hoặc tử vong".
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu. Ảnh: NVCC
Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (1989, Việt Nam tham gia 1990) cũng quy định trách nhiệm của quốc gia trong việc đảm bảo trẻ em được bảo vệ trước những nguy cơ gây hại, kể cả trong môi trường giao thông. Do vậy, tôi cho rằng, cần đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn giao thông khiến bé N.N.N.T tử vong theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Đề nghị khởi tố bị can đối với tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung, đảm bảo điều tra khách quan, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự theo Bộ luật Dân sự 2015, vì hành vi của tài xế đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng của trẻ em.
Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền trẻ em và dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền sống, quyền được an toàn của trẻ em theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, tôi cho rằng vụ việc bé N.N.B.T tử vong do tai nạn giao thông ngày 04/9/2024 tại huyện Trà Ôn có dấu hiệu rõ ràng của hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra một cách khách quan, đầy đủ và tránh bỏ lọt tội phạm. Trước mắt, tôi kiến nghị các tổ chức Hội bảo vệ quyền trẻ em cần có văn bản kiến nghị khởi tố vụ án, gửi Cục Điều tra Viện KSND Tối cao vì cơ quan này hiện là cơ quan đang thụ lý giải quyết đơn yêu cầu của gia đình người bị hại.
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Chi hội phó Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM:
Vụ việc xảy ra quá thương tâm đối với những người trong cuộc. Bi kịch này xuất phát từ sự thiếu thống nhất kết luận vụ việc của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về lỗi và nguyên nhân dẫn đến tai nạn, cần phải xác định rõ: chính xe tải xin vượt không đúng quy định, không quan sát an toàn phía trước mới là nguyên nhân gây ra vụ việc. Bản chụp hiện trường cho thấy phía trước xe tải là xe bán tải. Bên phần đường ngược lại với xe tải có 3 em là X.N, M.N và N.N.B.T đang di chuyển bằng xe đạp điện. Khi phát hiện xe tải, cháu N. đã kịp thời dừng lại. Tuy nhiên, xe đạp điện của cháu T. đi phía sau đã va chạm vào xe của cháu N., khiến cháu T. ngã ra đường và bị bánh trước xe tải cán qua, dẫn đến tử vong.
Luật sư Đào Thị Bích Liên. Ảnh: NVCC
Phòng CSGT huyện Trà Ôn đã xác định tài xế Trung có lỗi đi không đúng phần đường, vượt xe không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên sau đó, Cơ quan điều tra lại cho rằng cháu T. không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát, và coi đây là lỗi chính gây ra tai nạn. Tài xế Trung chỉ được kết luận là “không xử lý kịp tình huống”. Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trà Ôn ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 760/QĐ-ĐTTH ngày 26/12/2024 với lý do: “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.
Theo tôi, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ, cháu T. chỉ mới 14 tuổi. Theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với một số tội danh nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chủ yếu là các tội cố ý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, hiếp dâm… Không có bất kỳ quy định nào cho thấy người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Lỗi của cháu T., nếu có, cũng chỉ là lỗi vi phạm hành chính (không chú ý quan sát), không cấu thành hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong quyết định không khởi tố, CQĐT lại kết luận cháu T. là “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội” và lấy lý do cháu "đã chết" để không khởi tố vụ án. Nhận định này là hoàn toàn không đúng với bản chất pháp lý và thực tế vụ án.
Phải xác định rõ, trong vụ tai nạn này, cháu T. là nạn nhân, là người bị hại, không phải là nghi can, bị can hay bị cáo. Pháp luật chỉ cho phép đình chỉ khởi tố khi nghi can, bị can hoặc bị cáo chết. Ở đây, cháu T. không thuộc bất kỳ trường hợp nào nêu trên. Vậy căn cứ vào đâu mà cơ quan điều tra lại kết luận rằng “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”?
Thêm vào đó, lỗi trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người trong vụ án này là hành vi vượt xe không đảm bảo an toàn của tài xế Trung, chứ không phải hành vi không chú ý quan sát của cháu T. Vì vậy, không thể vì nạn nhân đã tử vong mà chối bỏ trách nhiệm hình sự của người gây ra tai nạn .Tôi xin kiến nghị: cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Trung để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung năm 2017.
Theo nguồn tin của báo Phụ nữ Việt Nam, ngày 28/4/2025, Cục điều tra Viện KSND Tối cao đã mời luật sư Nguyễn Văn Quynh, luật sư tham gia bảo vệ ngay từ đầu cho cháu T. và gia đình tới làm việc.
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Đinh Thu Hiền